Ngày 17/2 năm xưa: Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam, châm ngòi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Tổng hợp| 17/02/2024 06:00

Cuôc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu vào rạng sáng 17/2/1979, với lý do 'phản kích tự vệ' Trung Quốc xua đội quan đến 60 vạn cùng xe tăng, xe cơ giới tấn công đồng loạt vào 6 tỉnh biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh.

Rạng sáng 17/2/1979, lấy lý do thực hiện một cuộc “phản kích tự vệ”, giới cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.

Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc) với mục tiêu chính là Lạng Sơn. Quân địch tiến theo hai hướng song song, hướng thứ nhất đánh vào Đồng Đăng, hướng thứ hai tiến về Đông Khê và Cao Bằng.

thi-xa-cao-bang-bi-quan-tq-tan-pha.jpg
Thị xã Cao Bằng đổ nát sau các đợt tấn công của quân xâm lược Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã xua quân đánh thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam (có những nơi quân đội Trung Quốc đã vào sâu từ 15-20km) ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, tiến hành các cuộc sát hại nhân dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc.

Hướng tiến công chủ yếu của quân Trung Quốc xâm lược là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); và hướng nghi binh là Quảng Ninh và Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay). Với hành động đó, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được quốc tế công nhận.

Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được 5 mục tiêu cơ bản sau:

Một là, cứu bọn Pol Pot. Ý đồ của họ là chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam ở gần biên giới, nếu thuận lợi sẽ tiến sâu vào sâu, buộc ta phải đàm phán, ép ta phải rút quân khỏi Campuchia.

Hai là, thông qua chiến tranh chống Việt Nam để tranh thủ Mỹ và các nước đồng minh giúp họ thực hiện “Bốn hiện đại hóa”.

Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, làm Việt Nam suy yếu. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là bộ đội chủ lực, phá hoại kinh tế, tàn sát dân thường, gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân, kích động bạo loạn, hạ uy thế của Việt Nam sau khi thắng Mỹ năm 1975.

Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, buộc Lào phải trung lập hoặc theo họ chống lại Việt Nam, uy hiếp Việt Nam từ phía Tây; gỡ thể diện trước các nước Đông Nam Á sau thất bại ở Campuchia.

Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận quốc tế để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu tiếp theo.

xac-xe-tang-tq-bi-ban-ha-tai-cao-bang.jpg
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn hạ tại Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Ngày 18/3/1979, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến, nhưng cuộc chiến không chỉ dừng lại 1 tháng mà nó còn kéo dài dai dẳng đến năm 1989, tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.

Trung Quốc thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống lại Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang như phục kích, tập kích, pháo kích, tấn công lấn chiếm... gây rất nhiều tổn thất về người và của cho quân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 1984 - 1989, Trung Quốc quay lại và duy trì trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) với cường độ cao, mật độ dày tạo ra tình trạng căng thẳng, bất ổn ở khu vực biên giới Việt - Trung, gây ra nhiều tổn thất và hậu quả nghiêm trọng cho quân dân Việt Nam.

Đi đến đâu, quân đội Trung Quốc cũng phá phách, phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng, tàn sát người dân vô tội. Vụ thảm sát tàn bạo nhất mà quân đội Trung Quốc gây ra ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ngày 9/3/1979, 4 ngày sau khi tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, lính Trung Quốc đã tấn công vào một trại nuôi lợn ở bản Tổng Chúp, giết chết 43 người gồm phụ nữ, trẻ em và vùi xác dưới giếng.

chien-tranh-bien-gioi-230.jpg
Lính Trung Quốc bị bắt sống. Ảnh: TTXVN

Suốt 10 năm sau ngày nổ súng xâm lược, quân Trung Quốc đã gây cho Việt Nam sự tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Họ đã tiến hành nhiều vụ thảm sát tàn bạo, tàn phá nhiều làng mạc, nhà cửa, cơ quan trường học, công trình dân sinh của quân và dân dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

Từ sau ngày 18/3/1979 cho đến cuối năm 1985, sau khi rút một bộ phận lớn quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa “dạy cho Việt Nam bài học thứ hai”, tiếp tục có những động thái gây hấn, sử dụng quân sự để tấn công, phá hoại tiềm lực quốc phòng, cơ sở vật chất - kỹ thuật ở biên giới các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

vi_xuyen_6.jpg
Mặt trận Vị Xuyên năm 1984. Ảnh: TTXVN

Từ sau ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tấn công lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm. “Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.

Chỉ tính từ tháng 4/1979 đến tháng 12/1980, Trung Quốc bắn pháo 282 lần, xâm nhập vũ trang 157 vụ. Bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên đánh trả 45 lần, trong đó 44 lần đánh trả bằng pháo binh, tiêu diệt 477 tên địch, bắt sống 34 tên địch. Ngày 31/3/1981, 1 đại đội quân Trung Quốc tiến công biên phòng Săm Pun, huyện Mèo Vạc. Ngày 7/5/1981, Trung Quốc sử dụng 2 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh tiến công lấn chiếm điểm cao 1800A, 1800B xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên.

Từ tháng 4/1984, quân Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá toàn tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên, kéo dài dai dẳng, ác liệt trong gần 1 tháng; và mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm vào lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên).

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, Trung Quốc là bên chịu tổn thất không hề nhỏ. Theo tác giả Trường Sơn trong “Chiến tranh biên giới 1979 : Cuộc chuyển quân thần tốc” đăng trên Infonet ngày 18/2/2015 thì trong tuần đầu tiên của chiến tranh, lực lượng vũ trang 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân Trung Quốc. Con số này tiếp tục tăng lên 27.000 quân vào ngày 28/2 và 45.000 quân vào ngày 5/3/1979.

Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về tổn thất, mới chỉ có con số ước tính là: Có 320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, trạm xá, 38/42 lâm trường, 41/41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ ở khu vực chiến sự bị tàn phá.

Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới phía Bắc Việt Nam bị mất nhà cửa, tài sản, phương tiện sinh sống.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày 17/2 năm xưa: Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam, châm ngòi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO