-Al Capone ra đời
Ngày 17/1/1899, trong một khu phố nghèo nàn ở Brooklyn, New York, ông bà Gabriele và Teresina đón chào đứa con thứ 4 mới ra đời, tên là Al Capone. Ông bà hoàn toàn không thể tin rằng đứa bé đó sau này trở thành một trong những tên giang hồ, tội phạm lớn nhất nhất và nổi tiếng nhất, hung hãn nhất của nước Mỹ, đi cả vào tiểu thuyết và phim ảnh.
Al Capone là con thứ tư trong gia đình có chín người con gốc Naples (Ý) di cư sang Mỹ năm 1893. Y chỉ học đến năm 14 tuổi rồi bỏ sau khi đánh thầy giáo thừa sống thiếu chết.
Y bỏ gia đình sống lang thang với đủ nghề kiếm sống: nhân viên bán hàng kẹo, nhân viên chơi bowling, công nhân trong một nhà máy đạn dược và thợ cắt ở một xưởng đóng sách.
Ở tuổi 16, Capone trở thành thành viên của băng đảng Five Points, rồi cùng Johnny Torrio thành lập tổ chức mafia Chicago Outfit (gọi tắt là The Outfit) trong thời kỳ cấm rượu.
The Outfit được biết đến với các hoạt động buôn lậu rượu và các hoạt động bất hợp pháp khác như cờ bạc, mại dâm, tống tiền, cho vay nặng lãi, hối lộ các chính trị gia và những vụ thanh toán băng đảng.
Capone cũng tham gia vào các hoạt động tội phạm khác, bao gồm cả hối lộ các quan chức chính quyền và tổ chức mại dâm. Năm 1931, y bị xét xử với 23 tội danh và bị kết án 11 năm tù cùng 50.000 USD tiền phạt
Tháng 11/1939, do tình trạng suy nhược toàn thân (giai đoạn cuối của bệnh giang mai), y được thả về sống ở một điền trang tại Florida và qua đời vì trụy tim vào năm 1947.
Đến nay vẫn có những tranh cãi về cuộc đời của Al Capone, dù là một tên lưu manh nhưng y vẫn có không ít người coi trọng vì rất hay làm từ thiện từ chính đồng tiền bẩn của mình. Nhiều người cho rằng y là một Robin Hood thời hiện đại.
-Tổng thống Bill Clinton đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục từ Paula Jones
Ngày 17/1/1998, Tổng thông Mỹ Bill Clinton đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục từ Paula Jones. Đây là bê bối thứ hai liên quan đên tình dục của ông Clinton, sau vụ ‘vụng trộm’ vơi thực tập sinh Monic Lewinski.
Paula Jones, cựu nhân viên bang Arkansas, tố cáo rằng cô phải làm việc trong bầu không khí thù địch, quyền công dân bị vi phạm vào năm 1991 khi từ chối đề nghị tình dục của ông Bill Clinton, khi đó là Thống đốc bang Arkansas.
Paula Jones cho hay, ngày 9/5/1991, ông Bill Clinton nhìn thấy cô ngồi bên một chiếc bàn ở sảnh khách sạn Excelsior tại Little Rock khi cô đang phát thẻ tên cho khách dự hội thảo. Sau đó, một lính gác đã đưa cô tới một phòng riêng trong khách sạn. Tại đây, ông Clinton đề nghị cô quan hệ tình dục. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thời đó đã phủ nhận mọi sai trái.
Ngày 13/11/1998, Bill Clinton đồng ý chi 850.000USD (khoảng 20 tỷ đồng) để cô này từ bỏ kiện cáo. Theo thoả thuận, Tổng thống Bill Clinton đã gửi séc tới cho cô Jones và luật sư của cô này qua đường bưu điện vào cùng ngày.
Trong thoả thuận hoà giải ngoài toà này dường như mỗi bên đã chịu nhường một bước. Trước đó, Tổng thống Bill Clinton đề nghị khoản tiền là 700.000USD còn phía đội luật sư của Paula Jones đòi 950.000USD. Dù chi tiền, ông vẫn phải đối mặt với hậu quả kinh khủng do vụ kiện gây ra: Phiên luận tội tại Thượng viện.
-Việc tìm kiếm máy bay MH370 bị hủy bỏ
Ngày 17/1/2017, việc tìm kiếm tung tích máy bay MH370 trên vùng biển Ấn Độ Dương bị hủy bỏ sau một thời gian dài không có kết quả. Trước đó, Malaysia cũng tuyên bố ngừng tìm kiếm ở biển Đông.
Số phận của máy bay MH370 trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới khi biến mất trên đường đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014.
Câu chuyện bí ẩn bắt đầu bằng một chuyến bay đêm không có gì bất thường với hành trình từ Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đến Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc. Theo The Guardian, lúc 0 giờ 41 ngày (giờ Malaysia), máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bay lên trong đêm trăng sáng và bẻ lái sang phía đông bắc, hướng tới Biển Đông.
Phần lớn hành khách là người Trung Quốc, cùng 38 người Malaysia và các công dân của Indonesia, Úc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Iran, Ukraine, Canada, New Zealand, Hà Lan, Nga và Đài Loan. Tổng cộng 239 người.
40 phút đầu tiên của chuyến bay không có gì nổi bật. Lúc 1 giờ 19, MH370 đi đến điểm cuối không phận Malaysia. Đài kiểm soát không lưu ở Malaysia thông báo bàn giao chuyến bay cho đài kiểm soát không lưu ở TP. Hồ Chí Minh. Vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam, MH370 biến mất khỏi màn hình radar.
Năm 2018, Malaysia đã mời Ocean Infinity tìm kiếm máy bay mất tích ở khu vực phía nam Ấn Độ Dương, đề nghị trả tới 70 triệu USD nếu công ty tìm thấy máy bay, theo Reuters. Song hoạt động tìm kiếm không mang lại kết quả.
Chiến dịch tìm kiếm của công ty diễn ra sau khi Malaysia, Trung Quốc và Úc kết thúc cuộc săn lùng dưới biển kéo dài hai năm, tiêu tốn 200 triệu đô la Úc nhưng không có kêt quả, vào tháng 1/2017.
Việc tìm kiếm máy bay trở thành cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không và là một trong những cuộc tìm kiếm phức tạp nhất. Quá trình này sẽ tiếp tục trong ba năm nhưng không có dấu hiệu nào, mặc dù một số mảnh vỡ từ máy bay đã dạt vào bờ biển Ấn Độ Dương trong năm 2015 và 2016.
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra về sự mất tích này: hỏa hoạn, bắn hạ hoặc cướp, kể cả...người ngoài hành tinh bắt cóc.