Chuyến tham quan chết chóc
Phà Sewol nặng 6800 tấn, được chế tạo bởi công ty Hayashikane, hạ thủy năm 1994 và đã hoạt động 18 năm tại đây trước khi được bán sang Han Quốc.
Phà dài 146 m và rộng 22 m, có thể chở 921 hành khách cùng tối đa 956 người tính cả thủy thủ đoàn, có đủ chỗ để chở 180 xe hơi và có thể chở được 152 container loại 20 feet.
Sau khi được chính phủ Hàn Quốc kiểm định, phà bắt đầu hoạt động tại nước này kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2013. Mỗi tuần, phà chạy hai đến ba chuyến khứ hồi với hành trình từ Incheon đến thành phố Jeju.
Buổi sáng này 16/4/2014, phà Sewol chở 476 người, gồm 325 học sinh và 15 giáo viên của trường THPT Danwon ở Ansan, phía nam Seoul, đi tham quan đảo Jeju cùng 30 thành viên thủy thủ đoàn cùng nhiều hành khách khác.
Khi chỉ còn cách đảo Byungpoong không xa, phà phát đi tín hiệu khẩn cấp rồi bắt đầu chìm. Quả hoảng sợ, nhiều người nhảy xuống nước, tìm cách bơi tới các tàu đánh cá hoặc tàu thương mại gần đó. Tuy nhiên, thời tiết phức tạp và địa hình không thuận lợi khiến họ bị chết chìm.
Những hành khách được cứu sống kể lại, họ nghe thấy một tiếng rít lớn, chiếc phà rung lên rồi dừng lại – hàm ý rằng nó có thể bị mắc cạn. Sau đó, Sewol lật ngược và gần như ngập trong nước.
Một thành viên thủy thủ đoàn của tàu cứu hộ cho biết, vùng biển hiện trường không có đá ngầm, và nguyên nhân khiến Sewol bị lật là trục trặc kỹ thuật. Tuy vậy,nhiều người cho rằng tai nạn xảy ra vì cú rẽ gấp khiến hàng hóa đổ dồn sang một bên khiến phà mất thăng bằng, dẫn tới nước tràn vào khoang và nhấn con phà lật nghiêng. 304 người thiệt mạng.
Cơn phẫn nộ tột cùng
Cảnh tượng tàu chìm được truyền hình trực tiếp khiến cả nước choáng váng và sự phẫn nộ. Điều đáng lên án hơn, các hành khách được thủy thủ đoàn yêu cầu ở lại nhưng thuyền trưởng và các đồng nghiệp là những người đầu tiên rời tàu. Trong số này có thuyền trưởng Lee Joon-seok cùng hai trợ lý. Tất cả đã bị bắt và đưa ra xét xử. Lee Joon-seok hiện đang thụ án chung thân.
Do sóng lớn và biển động dữ dội, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, thậm chí một thợ lặn đã phải bỏ mạng. Người nhà các nạn nhân đã tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng công tác cứu hộ của nhà chức trách diễn ra quá chậm.
Bản thân Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết cũng chỉ nhận tin báo trực tiếp từ phụ huynh của một học sinh đang trên phà chứ không phải từ thủy thủ đoàn.
Lực lượng hải quân bao gồm binh sĩ Hạm đội 3, một tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo, một tàu khu trục lớp Chungmugong Yi Sun-sin và một tàu frigate lớp Ulsan, chưa kể không lực Hàn Quốc cũng cử nhiều đơn vị đến ứng cứu.
Người nhà của các nạn nhân phẫn nộ trước công tác cứu hộ của nhà chức trách, họ đã ném chai nước vào Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won khi ông đến thị sát tại hiện trường, một quan chức khác bị một thân nhân trong vụ tai nạn tát vào mặt.
Quốc tang
Ngày 17 tháng 4, Tổng thống Park Geun-hye đến thăm hiện trường. Trong buổi phát biểu và trước các thân nhân, bà cố gắng không rơi vào thế bị động trước sự giận dữ và la ó bên dưới. Họ được thông tin rằng vào thời điểm xảy ra vụ việc không ai có thể liên lạc với bà trong suốt nhiều giờ. Bà Park sau đó bị phế truất và luận tội năm 2017, một phần do cách xử lý vụ việc này.
Người Hàn Quốc càng phẫn nộ hơn khi biết chiếc phà này vào năm 2012 đã được hoàn cải công năng, cơi rộng ra thêm, thiết kế thêm nhiều cabine. Cảnh sát xác định vào thời điểm xảy ra tai nạn, phà chở hơn 3600 tấn hàng, gấp 3 lần trọng lượng quy định. Sự bất tài, hèn nhát và vô trách nhiệm của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn cũng khiến người dân điên tiết.
Chiến dịch cứu hộ được thực hiên nhiều ngày sau đó, nhưng đến nay vẫn còn 9 người mất tích không tìm thấy xác. Ngày 16/11/2017, sau 3 năm tìm kiếm đầy nỗ lực nhưng vẫn không có tiến triển, gia đình của các nạn nhân mất tích đã đồng ý dừng công việc tìm kiếm.
Vụ chìm phà Sewol đã làm tổn thương sâu sắc xã hội Hàn Quốc. Người dân đặt hoa và thắp nến ở nhiều nơi để cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số. Đặc biệt ở Danwon, những tấm di ảnh được xếp ngay ngắn trong trường khi cả nước để quốc tang. Không khí tang tóc tiếp tục bao phủ ngôi trường nhiều tháng ngày sau đó.
Ngày 23/3/2017, tức gần 3 năm xảy ra tai nạn kinh hoàng, lực lượng chức năng Hàn Quốc tiến hành trục vớt phà Sewol và dùng tàu vận tải siêu trường siêu trọng để di chuyển tới cảng Mokpo phục vụ công tác điều tra mở rộng.
10 năm chưa hết đau khổ
10 năm sau vụ tai nạn, các gia đình của nạn nhân vẫn chưa thể nguôi ngoai và phải từng ngày vượt qua nỗi đau tinh thần không gì xoa dịu được. Ngay hôm nay, các lễ tưởng niệm lớn được lên kế hoạch tại Seoul.
Trong sân trường trung học Danwon ngày nay có một đài tưởng niệm hình cá voi màu vàng nhìn ra sân chơi. Ngày 6/4 vừa qua, bà Lee Mi-kyung, 58 tuổi, ở Ansan, đã cùng 7 bà mẹ khác cùng có con đã chết trong vụ chìm phà, biểu diễn một vở kịch ngay tại trường học của các con để tưởng nhớ những đứa con xấu số.
“Tôi sẽ không còn trốn trong bóng tối, không bị nỗi đau buồn đánh bại, cũng không khóc trong tuyệt vọng,” bà Lee nói. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng thật khó để quên đi mọi chuyện và tha thứ cho những sai lầm.
Một người cha đau khổ khác là Jung Sung-wook kể với AFP rằng sau cái chết của cậu con trai Jung Dong-soo, ông tham gia ngay vào việc tìm kiếm các thi thể mất tích và sau đó là chiến dịch trục vớt chiếc phà.
Thời điểm xảy ra tai nạn, ông đang ở công sở và vợ cho biết con trai đã nhắn những tin cuối cùng trong tuyệt vọng, kể rằng phà đã nghiêng gần 45 độ, tất cả hoảng loạn. Ông vội chạy ngay đến hiện tường và chung nỗi tuyệt vọng với bao phụ huynh khác.
"Đó thực sự là địa ngục, ý tôi nói là sự hỗn loạn. Không ai phản ứng đàng hoàng, bọn trẻ bị bỏ lại một mình, còn cha mẹ thì đến đây để đưa xác chúng về. Sự hỗn loạn đó, nói một cách dễ hiểu, chính là địa ngục”.
Sau 10 năm, căn phòng của Lee Dong-soo vẫn được vợ chồng ông gìn giữ nguyên trạng, như thể cháu vẫn đi về hằng ngày… Mỗi năm ông lại vẽ một bức chân dung con trai miêu tả sự trưởng thành theo năm tháng, đặt ở bàn học. Tranh sẽ nhiều hơn nhưng con ông không bao giờ ngồi vào chiếc bàn đấy nữa.