Ngành Y tế TP.HCM sẽ thay đổi ra sao trong tình hình mới?

ANH ĐÀO| 09/10/2021 16:47

Số ca bệnh giảm, lực lượng y tế phía Bắc rút quân khỏi TP.HCM, nhu cầu khám bệnh cấp thiết của người dân.. bắt buộc Ngành Y tế TP.HCM nhanh chóng thay đổi để ứng phó với tình hình mới.

240585632_10158649963893789_3378104708311846344_n(2).jpeg
Các khoa hồi sức tích cực tại TP.HCM - Ảnh: Bộ Y tế

Theo lộ trình, từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2021, các bệnh viện dã chiến của TP.HCM sẽ lần lượt ngừng hoạt động, chậm nhất 15/10, lực lượng chi viện chống dịch rút quân khỏi TP.HCM.

Tái cơ cấu lại hệ thống

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch - cho biết, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Để chuẩn bị cho học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa các khu nhà tái định cư đi vào cuộc sống phục vụ người dân, TP sẽ xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến TP. Các bệnh viện dã chiến của TP sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021.

Khi giải thể các bệnh viện dã chiến của TP, các bệnh viện dã chiến của quận, huyện vẫn duy trì đảm trách tiếp nhận các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Việc này sẽ giúp các bệnh viện quận huyện chuyển đổi trở lại công năng ban đầu là khám chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.

Bắt đầu từ ngày 30/6 khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại TP.HCM, cũng là lúc những đoàn nhân viên y tế từ các tỉnh phía Bắc bắt đầu chi viện cho TP chống dịch. Cao điểm từ ngày 21/8, lớp lớp các lực lượng quân đội, công an, bác sĩ quân y, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… đã lên xe hướng về TP thân yêu.

Với việc các lực lượng chi viện rút quân, ngành y tế TP sẽ phải xây dựng, cơ cấu lại hệ thống nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phòng chống dịch trong thời gian tới.

240660443_10158652874913789_4936478607014292150_n(1).jpeg

Ưu tiên vắc xin cho trẻ em

Theo Sở Y tế TP.HCM trong tình hình mới TP sẽ tập trung nguồn lực cho công tác tiêm vắc xin, đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm vắc xin theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.

Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Kiến nghị Bộ Y tế cho TP thí điểm triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em khi có nguồn vắc xin phù hợp.

TP.HCM sẽ thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Đồng thời, TP sẽ ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Ngành Y tế sẽ có kế hoạch vận hành hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.

Điều quan trong là nghiên cứu thành lập “khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Sở Y tế nhấn mạnh củng cố và phục hồi hệ thống y tế, tái cơ cấu lại hệ thống thu dung điều trị, huy động mọi nguồn lực đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Bài liên quan
  • TP.HCM báo động tình trạng ngộ độc rượu methanol nặng
    Hàng loạt các vụ ngộ độc rượu methanol nặng xảy ra tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, thậm chí đã có nhiều ca tử vong. Các bác sĩ cho biết đây là hệ lụy của việc giãn cách, với tâm lý buồn, chán mua rượu rẻ tiền uống dẫn đến ngộ độc.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y tế TP.HCM sẽ thay đổi ra sao trong tình hình mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO