Ngành vũ khí Trung Quốc 'yên bình' giữa chiến sự Nga - Ukraine

31/05/2022 08:38

Cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phát giáng xuống Nga được cho không gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất vũ khí của Trung Quốc.

Nga đã mất hàng nghìn chiếc xe tăng, máy bay và các loại vũ khí trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhiều phương tiện của Nga bị hư hại và bị bỏ lại trên chiến trường cho thấy không ít linh kiện vũ khí của nước này được sản xuất ở các quốc gia khác, mà trong số này nhiều nước đang áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Nga có còn đủ tiền và vũ khí để tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vào tuần trước, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng những chiếc xe tăng T-62M ra đời từ hàng chục năm trước đã được đưa ra khỏi kho lưu trữ để nhường chỗ cho những tiểu đoàn mới được đưa tới Ukraine.

Ngành vũ khí Trung Quốc 'yên bình' giữa chiến sự Nga - Ukraine
Xe tăng của Nga bị phá hỏng trong quá trình chiến đấu ở làng Dmytrivka gần thủ đô Kiev của Ukraine. (Ảnh: AP)

Trước đây, xe tăng T-62M được Liên Xô cũ sử dụng vào năm 1983. Hồi tuần trước, hình ảnh các đoàn tàu chở theo những chiếc T-62M di chuyển qua vùng Melitopol ở phía đông nam Ukraine nhưng đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga đã được tiết lộ.

Trên thực tế, 20 quốc gia đang cung cấp nhiều loại vũ khí mới cho Ukraine bao gồm tên lửa và trực thăng. Trong khi đó, Nga đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc thay thế các thiết bị quân sự bị hư hỏng trên chiến trường và sản xuất vũ khí mới. Song dường như những khó khăn của Nga không tạo ra tác động dây chuyền tới Trung Quốc, quốc gia mua vũ khí của Nga nhiều thứ 2 trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc đang tối thiểu hóa những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine lên dây chuyền sản xuất vũ khí.

Ông Richard Bitzinger, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu các hệ thống đẩy phản lực và tên lửa đất đối không từ Nga. Nhưng Trung Quốc cũng đã chủ động phát triển các phiên bản vũ khí từng nhập khẩu.

Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc mua các tàu khu trục, tàu ngầm tấn công lớp Kilo và máy bay vận tải Ilyushin Il-76 của Nga. Nhưng theo ông Bitzinger, sau này Trung Quốc đã bắt đầu tự phát triển vũ khí để giảm bớt sự phụ thuộc từ nguồn cung ở nước ngoài.

Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới giai đoạn từ năm 2017 – 2021, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu vũ khí của Nga với số lượng lớn thứ 2 chỉ sau Ấn Độ.

Báo cáo năm 2021 của tổ chức Rand Corporation ở Mỹ cho hay, chất lượng các sản phẩm của ngành công nghiệp vũ khí nội địa Trung Quốc đã được cải thiện nhờ kỹ thuật đảo ngược thiết bị của Nga và Mỹ. Theo đó, các công ty Trung Quốc sẽ nghiên cứu thiết bị vũ khí của nước ngoài, và từ đây làm cơ sở dữ liệu để phát triển các phiên bản vũ khí nội địa.

Điển hình, động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt Shenyang WS-18 của Trung Quốc là phiên bản của Soloviev D-30KP-2 được thiết kế từ những năm 1960 dưới thời Liên Xô cũ và được Trung Quốc nhập khẩu từ Nga.

Các động cơ của Nga được trang bị trên máy bay vận tải Y-20 và oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc, theo China Military Online, trang web tin tức của quân đội Trung Quốc. Nhưng sau này, các động cơ của Nga dần bị loại bỏ và Trung Quốc chuyển sang dùng WS-18 và WS-20 mà nước này tự chế tạo.

Theo ông Bitzinger, Trung Quốc đã nghiên cứu suốt 25 năm để giảm bớt sự phụ thuộc vào các loại vũ khí của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ mua các linh kiện để duy trì hoạt động của dàn vũ khí Nga đang được lưu kho.

Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, đồng tình với nhận định những lệnh trừng phạt áp đặt với Nga có tác động vô cùng nhỏ đối với hoạt động sản xuất vũ khí của Trung Quốc.

“Nói chung, Trung Quốc có năng lực tự sản xuất nên lệnh trừng phạt không phải là vấn đề”, ông Zhou cho hay.

Cũng theo ông Zhou, Trung Quốc đã dừng mua số lượng lớn vũ khí của Nga từ lâu, nên cuộc chiến ở Ukraine không làm trì hoãn hoạt động chuyển giao theo đơn hàng đặt hàng của Trung Quốc.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy đơn đặt hàng của Trung Quốc được Nga chuyển giao từ năm 2012 gồm tên lửa chống tăng và tên lửa diệt hạm, súng hải quân và máy bay vận tải.

Tuy nhiên, số lượng vũ khí Nga xuất sang Trung Quốc đã giảm từ giai đoạn đỉnh điểm vào năm 2005. Các nhà sản xuất vũ khí quốc doanh của Trung Quốc mà trong số này một số công ty có quy mô lớn nhất trên thế giới, đã đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất vũ khí nội địa và đưa Trung Quốc trở thành quốc gia bán vũ khí nhiều thế 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ, theo SIPRI.

Ông Zhou cho rằng Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế các linh kiện của Nga bằng hàng sản xuất nội địa và quá trình này chỉ mất vài tháng. Thậm chí, nếu cần, Trung Quốc có thể tăng tốc độ sản xuất.

Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt giáng xuống Nga “hoàn toàn không tác động” tới lĩnh vực sản xuất vũ khí của Trung Quốc, theo ông Zhou.

Đặc biệt, các nguyên liệu thô để sản xuất vũ khí như đất hiếm và hợp kim Trung Quốc cũng không cần phải nhập khẩu. Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy tính tới năm 2019, Trung Quốc chiếm 37% tổng sản lượng dữ trự đất hiếm trên toàn cầu. Đây là khối lượng đất hiếm lớn nhất mà một quốc gia trên thế giới nắm giữ.

Minh Thu (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nganh-vu-khi-trung-quoc-mien-nhiem-truoc-chien-su-nga-ukraine-412156.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nganh-vu-khi-trung-quoc-mien-nhiem-truoc-chien-su-nga-ukraine-412156.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngành vũ khí Trung Quốc 'yên bình' giữa chiến sự Nga - Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO