Mặc dù giá cao kỷ lục, nhu cầu dầu thực vật vẫn ở mức cao vì dầu thực vật là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống ở tất cả các quốc gia. Người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất thực phẩm, vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao kỷ lục và khó khăn kéo dài từ sau đại dịch COVID-19, thì nay lại càng chật vật khi giá dầu ăn tăng.
Ông Harry Niazi sở hữu nhà hàng cá và khoai tây chiên, món thức ăn nhanh truyền thống. Mỗi tuần, nhà hàng của ông sử dụng khoảng 8 thùng dầu ăn, ông cho biết giá mỗi thùng 20 lít dầu hướng dương mới đây đã tăng từ 22 bảng lên 42,5 bảng, tức là từ hơn 600 nghìn đồng lên hơn 1 triệu 200 nghìn đồng. Nhưng điều khiến ông còn lo lắng hơn cả việc giá dầu ăn tăng, đó là ý nghĩ sẽ chẳng còn dầu hướng dương để mua.
Ông Ông Harry Niazi - Chủ nhà hàng Famous Olley's Fish Experience, London, Anh nói: "Thật sự rất đáng sợ. Tôi không biết những nhà sản xuất cá và khoai tây chiên sẽ phải ứng phó ra sao".
Cách đó gần 9 nghìn km, tại Seoul, chủ nhà hàng gà chiên này cũng đứng trước quyết định khó khăn là liệu có phải tăng giá bán món ăn này. Ở Hàn Quốc, giá mỗi thùng dầu ăn 18 lít hiện vào khoảng 50 nghìn won, tương đương hơn 900 nghìnVNĐ, tăng gần gấp đôi so với một năm trước và có thể còn tăng hơn nữa.
Chị Kang Jung-A - Chủ nhà hàng gà rán, Seoul, Hàn Quốc nói: "Tôi đã phải vật lộn để duy trì buôn bán, nhưng giờ đây, giá nhân công và mọi thứ đều tăng. Nếu giá dầu tăng hơn nữa, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá".
Người tiêu dùng cũng lo lắng về việc món ăn phổ biến này tăng giá, có thể lên khoảng 30 nghìn won, tương đương hơn 500 nghìn VNĐ mỗi suất.
Anh Lee Young-Jun - Nhân viên văn phòng nói: "30 nghìn won mỗi suất gà rán là quá cao với tôi. Nếu giá thực sự lên tới mức đó thì có lẽ tôi nên tự nuôi gà và tự ép dầu để nấu ở nhà thì tốt hơn".
Thiếu hụt dầu hướng dương và giá dầu thực vật tăng cao không chỉ là vấn đề của các nhà bán lẻ, bởi dầu thực vật là thành phần để chế biến nhiều loại thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy, mayonnaise. Nhiều công ty thực phẩm đã buộc phải thay đổi công thức chế biến tạm thời, thử nghiệm phối trộn các loại dầu thực vật khác nhau. Điều này có thể sẽ phức tạp vì các loại dầu có các đặc tính khác nhau. Ví dụ, dầu ô liu cháy ở nhiệt độ thấp hơn dầu hướng dương, trong khi dầu cọ lại nhiều nhớt hơn.
Tình trạng thiếu hụt dầu ăn đang góp phần làm nghiêm trọng thêm lạm phát thực phẩm vốn đang cao kỷ lục trên toàn cầu. Các nhà phân tích và kinh tế học cho rằng, chính sách đầu tư và hợp tác quốc tế chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Các nước cần một giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của các bên tham gia thị trường lương thực, đánh giá lại tình hình sản xuất ở nhiều cấp độ, cách mạng hóa các phương pháp sản xuất nông nghiệp hay các dự án phục hồi nông nghiệp và lương thực.
(Theo VTV)