Cơ quan quản lý cho biết ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại mặt trái, chẳng hạn như tình trạng nghiện game hoặc lạm dụng trò chơi điện tử. Ảnh: Hoàng Linh. |
Theo số liệu công bố tại Ngày hội Game Việt Nam 2023 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đồng tổ chức, đại diện cơ quan này nhận định game là ngành có nhiều cơ hội tại Việt Nam.
Việt Nam có khoảng 28 triệu người chơi game và doanh thu ngành công nghiệp này trong nước vào khoảng 660 triệu USD. Không chỉ có tiềm năng trong nước, sản xuất trò chơi điện tử còn là một trong số hiếm hoi các ngành xuất khẩu được nội dung số, thu được ngoại tệ về Việt Nam, theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT.
"Dù vậy ngành trò chơi điện tử trực tuyến đang chịu nhiều định kiến, các phương tiện truyền thông chỉ đề cập đến mặt trái của lĩnh vực game, làm cho các bậc phụ huynh và xã hội nhìn nhận những người chơi game, làm game một cách rất xấu", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Ngoài ra, khoảng một nửa doanh thu từ thị trường game ở Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khoảng 900 tựa game G1, gần 90% đến từ nước ngoài. Theo cách phân loại trò chơi điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), G1 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Đây thường là sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao và mang lại doanh thu lớn.
“Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước đang bổ sung rất nhiều quy định để hạn chế những mặt trái, đồng thời phát huy được các mặt tích cực của ngành công nghiệp trò chơi điện tử”, theo người đứng đầu Cục PTTH&TTĐT.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý cũng cho biết trong thời gian tới, một số quy định có thể được đưa ra nhằm hạn chế các “mặt trái”, giúp ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước phát triển hơn.
“Chúng tôi đã bổ sung các quy định pháp luật và dự kiến ban hành vào nửa đầu năm 2023 ở cấp độ nghị định chính phủ, siết chặt thời gian chơi game trong một ngày không quá 3 tiếng đối với giới trẻ và siết chặt phân loại độ tuổi”, ông Tự Do chia sẻ.
Bên cạnh việc ban hành quy định mới về thời lượng chơi game và thực thi chặt chẽ hơn giới hạn độ tuổi nhằm hạn chế mặt trái nghiện game, cơ quan quản lý cho biết sẽ tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trong nước, thông qua thảo luận tại Ngày hội Game Việt Nam vào tháng 3 tới.
Chẳng hạn, theo quy định, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được giảm 10% thuế, nhưng doanh nghiệp game vừa sản xuất phần mềm vừa phát hành thì lại không được hưởng ưu đãi này vì bị coi là doanh nghiệp phát hành. Đại diện một doanh nghiệp tại sự kiện cho biết rất mong có chính sách thí điểm ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất game mang tính chất giáo dục, giải trí.
Đại diện công ty phát hành game này cũng cho biết mong muốn cơ quan quản lý giải quyết tình trạng game đã được cơ quan quản lý Việt Nam cấp phép nhưng không được cửa hàng ứng dụng phê duyệt, và ngược lại, game chưa được cấp phép được treo trên cửa hàng.
Ngoài diễn đàn thảo luận các vấn đề đang được quan tâm trong ngành, Ngày hội Game Việt Nam 2023 diễn ra từ nay đến tháng 3/2023 cũng sẽ tổ chức giải thưởng “Game của năm” dành cho các tựa game phát hành tại Việt Nam và giải thưởng dành cho đội tuyển game có thành tích cao.