UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) có công văn trả lời Báo Dân trí liên quan đến sự việc thầy Phan Tất Tuấn (SN 1981, trú ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành) đã có thâm niên gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng hiện nay vẫn là .
Theo văn bản của UBND huyện Yên Thành, thực hiện Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015, UBND huyện Yên Thành đã triển khai rà soát lập danh sách những người đủ điều kiện để có kế hoạch tuyển dụng. Trong danh sách này có tên thầy Phan Tất Tuấn.
Năm 2021, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cơ cấu chức danh, số lượng người tuyển dụng đặc cách theo quy định đã đề ra. Tại kỳ xét tuyển, thầy Tuấn đăng ký tham gia và đã trúng tuyển vòng 1 (vòng xét tuyển hồ sơ). Tuy nhiên, tại vòng 2 (vòng sát hạch thông qua hình thức phỏng vấn), tổ chức vào ngày 22/6/2022, vì thầy Tuấn không tham gia nên không có cơ sở để xét tuyển theo quy định.
"Thời gian tới, UBND huyện xây dựng cơ cấu chức danh, số người đề nghị được tiếp nhận, tuyển dụng để bổ sung biên chế cho ngành giáo dục trên cơ sở biên chế hiện có của các cấp học, theo hướng ưu tiên tuyển các đối tượng là giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách theo công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ vào biên chế", công văn nêu.
Trao đổi với PV Báo Dân trí, lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Yên Thành cho biết, trong thời gian tới, nếu có chỉ tiêu xét vào biên chế, huyện tiếp tục ưu tiên cho các giáo viên thuộc đối tượng đặc cách chứ chưa thực hiện thi tuyển ngoài và tiếp tục xây dựng cơ cấu chức danh, số người đề nghị được tiếp nhận, tuyển dụng bổ sung biên chế cho ngành giáo dục.
Tại kỳ xét tuyển tổ chức vào ngày 22/6/2022, toàn huyện có hơn 80 giáo viên tham gia nhưng chỉ 45 người trúng tuyển. Riêng trường hợp, thầy Phan Tất Tuấn không trúng tuyển do không tham gia thi vòng 2.
"Hôm đó, chúng tôi đã gọi điện cho thầy Tuấn và được biết lý do thầy không tham gia là vì sức khỏe. Việc không tham gia kỳ thi vòng 2 nên không trúng tuyển là đúng quy định đề ra", vị lãnh đạo này lý giải.
Theo thầy Tuấn, từ năm 2004 đến 2022 mới có một lần được thi tuyển đặc cách cho giáo viên là quá ít. Tại kỳ thi này cơ hội của những giáo viên dạy thể dục là không cao vì ưu tiên cho các giáo viên dạy văn hóa nhiều hơn.
"Tại kỳ thi tôi đăng ký tham gia xét tuyển và đã trúng tuyển vòng 1. Tuy nhiên, bước sang vòng 2 vì lý do sức khỏe nên đã bỏ cuộc. Tôi nghĩ tham gia cũng trượt nên đã không thi. Tại vòng 2, nhiều đồng nghiệp có cùng thời gian công tác và chuyên môn đã thi tuyển nhưng không trúng", thầy Tuấn tâm sự.
Trước đó, vào ngày 21/2, Báo Dân trí đã đăng tải bài viết: "Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế". Đã có thâm niên gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng đến nay, thầy Tuấn vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng huyện, mức thu nhập thấp khiến cuộc sống chật vật.
Theo thầy Tuấn, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng năm 2004, thầy xin về Trường Tiểu học xã Quang Thành, huyện Yên Thành và công tác đến nay.
Tại đây, thầy được phân công dạy môn thể dục đúng chuyên môn với mức lương khoảng 700.000-800.000 đồng/tháng. Để sớm được vào biên chế, thầy vừa đi làm, vừa học liên thông để hoàn thiện bằng đại học của Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau bao năm cống hiến nhưng bản thân thầy vẫn đang là một giáo viên hợp đồng huyện.