Ngành bia rượu lo ngại ‘tụt dốc không phanh’ khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100%

05/07/2024 13:53

Các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát kiến nghị có lộ trình phù hợp trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức tối đa là 80% thay vì 100% như đề xuất của Bộ Tài chính.

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp đồ uống gặp khó khăn.

Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị lùi thời hạn và giảm mức thuế, tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), là ngành kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, song từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống đã liên tục phải chịu rất nhiều tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn… Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15%-30%, nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30- 40% so với mức giá bình quân năm 2022.

Điều này dẫn tới sự sụt giảm báo động và ghi nhận sự tụt dốc về nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận…

Dẫn chứng là chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Quý 2/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%. Trong khi đó, tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào năm 2030. Tương tự, với rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt 50% từ năm 2020 sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Theo VBA, các đề xuất này chưa được căn cứ và đánh giá đúng thực trạng Việt Nam. Bởi trong những năm gần đây, ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu và đã có nhà máy phải đóng cửa.

VBA dẫn chứng, trong những năm gần đây ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, và đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng. Theo số liệu của Hiệp hội có được, Công ty HEINEKEN Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023. Còn Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của doanh nghiệp tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm.

Cùng với đó, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) phản ánh năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm ~30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (HALICO) liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Đồng thời khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, VBA cho rằng người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả…

“Việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu…. Theo khảo sát thực tế tại một số địa phương hiện nay tình hình các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm bia nhái các thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu đó khoảng 200-300 triệu lít”, văn bản VBA nêu rõ.

Do đó, Hiệp hội mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan.

Bên cạnh giải pháp tăng thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hiệp hội  kiến nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên, mức tăng thuế áp dụng từ năm 2027 đến hết năm 2028 là 70%, từ năm 2029 đến hết năm 2030 là 75% và từ năm 2031 áp dụng 80%, thay vì lộ trình đề xuất là 100%.

Ngoài ý kiến đề xuất chung như trên, có doanh nghiệp HEINEKEN Việt Nam đề xuất xem xét mức thuế khác nhau đối với bia dưới 5,5 độ; từ 5,5 độ tới 15 độ và trên 15 độ theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-bia-ruou-lo-ngai-tut-doc-khong-phanh-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-100-20240705113418049.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-bia-ruou-lo-ngai-tut-doc-khong-phanh-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-100-20240705113418049.htm
Bài liên quan
  • World Cup 2022: Qatar cấm bia rượu, FIFA khó xử
    Chính phủ Qatar được cho là đã ban hành lệnh cấm bia, rượu tại khu vực trong và xung quanh các sân vận động diễn ra World Cup 2022. Điều này khiến Liên đoàn bóng đá thế giới - FIFA rơi vào tình cảnh khó xử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngành bia rượu lo ngại ‘tụt dốc không phanh’ khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO