Theo ghi nhận, từ cuối tháng 10/2021, người dùng đã có thể đặt mua vé số qua dịch vụ Mobilott qua Ví điện tử ViettelPay hoặc VNPT Pay, dịch vụ Lucky Lotter trên ứng dụng Ví Việt hoặc Sendo, hay dịch vụ LuckyBest trên Ví Gpay. Người mua cũng có thể sử dụng ứng dụng của các ngân hàng như MBBank, Sacombank để đặt mua vé số. Tất cả các sản phẩm quen thuộc của Vietlot như Keno, Power, Mega 6/45, Max 3D, Max 3D + đều có mặt trên các ứng dụng này. Web daithantai.vn cũng đăng tải các thông tin về dịch vụ này, theo đó trong các sản phẩm vé xổ số mua hộ có sản phẩm Lô tô 2 số do Công ty Xổ số Kiến thiết Thủ đô phát hành.
Đến tuần đầu tháng 12, hai ứng dụng có lượng người dùng lớn là ZaloPay và Be cũng đã mở lại dịch vụ. Ví điện tử lớn nhất thị trường là MoMo hiện vẫn đang tạm dừng dịch vụ mua hộ vé số của các đối tác, nhưng theo đại diện đơn vị này, họ cũng đang có kế hoạch mở lại dịch vụ này trong thời gian tới.
Dịch vụ mua hộ vé số đã xuất hiện trở lại trên đa số các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử (Ảnh minh họa) |
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Bộ Tài chính có động thái tuýt còi dịch vụ này. Cụ thể, ngày 30/9/2021, Bộ Tài Chính có thông báo: “việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “Đặt 1 ăn 70”, kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số điện toán của Công ty xổ số điện toán Việt Nam là hành vi vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh xổ số, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Theo Bộ Tài chính, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 30/2007/NĐ-CP các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm sử dụng kết quả xổ số do doanh nghiệp kinh doanh xổ số phát hành để tổ chức các chương trình dự thưởng (khoản 2 Điều 6). Kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số. Phương thức kinh soanh xổ số tự chọn điện toán, vé xổ số điện toán thông qua internet chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.
Thực tế, dịch vụ mua hộ vé số xuất hiện trên các ứng dụng thanh toán của ngân hàng, ví điện tử trong một thời gian khá lâu, nhưng chỉ thực sự nở rộ trong giai đoạn các thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống Covid, người dân buộc phải hạn chế đi lại. Sau khi nhận được thông báo từ Bộ Tài chính, nhiều ứng dụng đã tạm ngừng thanh toán cho các dịch vụ mua hộ vé số để các bên cung cấp dịch vụ giải trình với cơ quan quản lý.
Đại diện Công ty Lộc Đỉnh Cao – vận hành daithantai đã báo cáo và làm việc với Bộ Tài chính để giải trình làm rõ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua hộ vé số. Theo DN này, dịch vụ mua hộ vé xổ số là quan hệ giao dịch dân sự không vi phạm quy định của pháp luật. Quy định của Bộ Tài chính về phương thức phân phối vé xổ số của các đơn vị kinh doanh xổ số và Đại lý xổ số, là đầu nguồn bán vé xổ số.
Theo Luật sư Trần Thanh Quyết, Đoàn luật sư Hà Nội, nhận định: Có thể có sự hiểu nhầm là doanh nghiệp tự tổ chức chương trình xổ số không phép. Tuy nhiên, nếu thực tế đây là giao dịch mua sản phẩm vé số hợp pháp, do các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh xổ số phát hành, vé số được in, lưu giữ đúng quy định thì không có cơ sở để cho rằng các đơn vị mua hộ vé số vi phạm pháp luật.
Cần thấy rằng ở đây chỉ có việc uỷ quyền được thực hiện qua internet, còn việc mua bán vé số giữa đơn vị phân phối và bên được uỷ quyền mua hộ vẫn diễn ra trực tiếp, “người thực việc thực”. Việc này cũng giống như các hoạt động “đi chợ hộ” phổ biến trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống Covid, người dân nhờ nhau mua hộ mớ rau, con cá, thì cũng có thể nhờ mua hộ thêm tờ vé số. Giao dịch uỷ quyền như vậy hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid, cần khuyến khích các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại.
Mai Minh