Ngân hàng rao bán 37 chiếc xe buýt từng quen thuộc với nhiều người Hà Nội

25/10/2023 15:04

37 chiếc xe buýt từng là phương tiện giao thông công cộng của người Hà Nội trong gần 10 năm qua vừa được Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đang rao bán.

Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Bắc Hà (Xe buýt Bắc Hà) do ông Nguyễn Kim Cương làm Giám đốc.

Toàn bộ 37 chiếc xe buýt này đều do Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho Công ty TNHH Bắc Hà trong hai năm 2013 và 2014.

Trong số đó, có 22 xe đăng ký năm 2013 được bán với giá khởi điểm từ 320 – 330 triệu đồng/xe; 15 xe còn lại đăng ký năm 2014 và được rao bán với giá khởi điểm từ 419.418.900 đồng/xe.

Trên thực tế, Công ty Bắc Hà thế chấp ngân hàng tới 57 chiếc xe buýt chứ không chỉ 37 chiếc đang được ngân hàng rao bán.

buyt bac ha 222.jpeg
Xe buýt Bắc Hà thời điểm còn hoạt động (Ảnh: Báo Giao thông).

Những chiếc xe buýt nói trên chính là phương tiện giao thông công cộng của người Hà Nội trong thời gian từ 9 – 10 năm cho đến khi Công ty Bắc Hà xin dừng hoạt động các tuyến buýt vào năm 2022. Việc này đã khiến cho Sở GTVT TP.Hà Nội phải bối rối.

Cụ thể, tháng 7/2022 Công ty TNHH Bắc Hà kiến nghị Sở GTVT Hà Nội để xin bỏ các tuyến buýt đang khai thác do công ty bị phá sản, ngân hàng siết nợ.

Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT TP. Hà Nội về việc chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) đối với 5 tuyết buýt có trợ giá (bao gồm tuyến buýt số 41, 42, 43, 44, 45).

Công ty TNHH Bắc Hà được thành lập từ năm 1993 và đăng ký địa chỉ tại tỉnh Bắc Giang. Doanh nghiệp này là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND TP Hà Nội từ năm 2005.

Tại thời điểm xin dừng hoạt động 5 tuyết buýt trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Kim Cương – Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, qua 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam (tháng 4/2021), tâm dịch ban đầu chính là ở Bắc Giang, nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính nên hoạt động kinh doanh dừng hẳn trong thời gian dài.

Do không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.

Toàn bộ 57 ôtô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại ngân hàng để vay vốn kinh doanh.

Ngày 24/6/2022, Công ty Bắc Hà nhận được thông báo đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc hơn 56,511 tỷ đồng.

Ngân hàng yêu cầu thực hiện kịp thời, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng. Nếu trong vòng 15 ngày không trả được nợ, ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý bao gồm cả việc xử lý tài sản thế chấp là phương tiện vận tải.

Tuy nhiên, Bắc Hà đã không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn của ngân hàng và dẫn tới việc thu giữ tài sản thế chấp là 57 chiếc ôtô đang sử dụng cho 5 tuyến xe buýt, làm ảnh hưởng đến vận tải hành khách theo các hợp đồng đã ký với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng rao bán 37 chiếc xe buýt từng quen thuộc với nhiều người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO