Lãi suất ngân hàng đua nhau dò đáy
Lãi suất ngân hàng trong tháng 9 tiếp tục giảm mạnh chưa từng có. Chỉ có hai ngân hàng không điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong tháng 9 là LPBank và VIB.
Do đó, hồi đầu tháng LPBank còn nằm trong nhóm ngân hàng trả lãi suất tiền gửi thấp nhất hệ thống, nhưng chỉ sau hơn 20 ngày, nhà băng này đã rơi vào nhóm có mức lãi suất huy động cao nhất.
Theo thống kê, có tất cả 33 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất, ít nhất một lần trong tháng qua.
Trong đó, các ngân hàng MB, ACB, NCB, SHB, Viet A Bank, Eximbank, Nam A Bank, HDBank, ABBank, KienLong Bank, PG Bank và GPBank có hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng.
Riêng OCB và MSB đã giảm lãi suất tới 3 lần, thậm chí Techcombank đã có tới 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Nhóm "Big 4" gồm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Dù chỉ giảm 1 lần trong tháng nhưng sự dứt khoát của 4 “ông lớn” này như mọi khi vẫn giữ vai trò định hình mặt bằng lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, Ngân hàng An Bình (ABBank), một ngân hàng tư nhân nhưng mạnh tay giảm lãi suất huy động xuống còn thấp hơn cả lãi suất do nhóm Big 4.
ABBank cùng với OCB và Nam A Bank mạnh tay hạ lãi suất tiền gửi trong tháng 9. Thống kê đối với các kỳ hạn tiền gửi 6 – 9 và 12 tháng, lãi suất tại 3 nhà băng này đều giảm từ 0,8 – 1,1%/năm.
Trong đó, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng tại ABBank, OCB, và Nam A Bank cùng giảm 1,1%/năm, lần lượt về mốc 4,9% - 5,3% - và 5,6%/năm. Thậm chí kỳ hạn 12 và 18 tháng tại ABBank chỉ còn lần lượt 4,7% và 4,4%/năm, thấp hơn so với lãi suất cùng kỳ hạn tại nhóm “Big4”.
Nhóm ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất tiếp theo là SHB, GPBank, PG Bank, VietBank, SCB. Lãi suất huy động online các kỳ hạn 6 – 9, 12 tháng tại các ngân hàng này đã giảm từ 0,6 – 0,8%/năm.
Tiếp đến là HDBank, NCB, BVBank, Techcombank, VietA Bank, Sacombank, TPBank, KienLong Bank và Eximbank với mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,4 – 0,6%/năm kỳ hạn 6 tháng.
Dong A Bank là ngân hàng giảm ít nhất, chỉ 0,15%/năm đối với tất cả các kỳ hạn. Trong khi Vietcombank, Agribank, SeABank, BaoViet Bank, ACB, VPBank, Saigonbank, OceanBank, BIDV, PVCombank,… giảm từ 0,2 – 0,3%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Sau một tháng liên tục điều chỉnh, hiện tại tất cả các ngân hàng đều niêm yết lãi suất online về dưới 7%/năm. Trong đó lãi suất ngân hàng cao nhất thuộc về PVCombank (6,7 – 6,8%/năm), NCB (6,7 – 6,8%/năm), CBBank (6,6 – 6,7%/năm), LPBank (6,4 – 6,8%/năm).
Ngoài ra, một số ngân hàng hiện duy trì lãi suất huy động trên 6%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hoặc một số kỳ hạn dài, gồm: Bac A Bank, Dong A Bank, HDBank, Viet A Bank, BaoViet Bank, VietBank, OceanBank, SCB, BVBank, SHB, Saigonbank, NamA Bank, PG Bank, OCB.
DIỄN BIẾN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG THÁNG 9 THEO THỨ TỰ GIẢM MẠNH NHẤT (%/năm) | ||||||
NGÂN HÀNG | KỲ HẠN 6 THÁNG | KỲ HẠN 9 THÁNG | KỲ HẠN 12 THÁNG | |||
29/9 | So với 31/8 | 29/9 | So với 31/8 | 29/9 | So với 31/8 | |
NAMA BANK | 5,6 | -1,1 | 5,9 | -1 | 6,3 | -0,8 |
OCB | 5,3 | -1,1 | 5,4 | -1,1 | 5,5 | -1,1 |
ABBANK | 4,9 | -1,1 | 4,9 | -0,8 | 4,7 | -1 |
SHB | 5,7 | -0,8 | 5,8 | -0,8 | 6,1 | -0,7 |
GPBANK | 5,15 | -0,8 | 5,25 | -0,8 | 5,35 | -0,8 |
PG BANK | 5,6 | -0,7 | 5,6 | -0,7 | 5,7 | -0,7 |
MSB | 5 | -0,7 | 5,4 | -0,3 | 5,5 | -0,3 |
VIETBANK | 6 | -0,6 | 6,1 | -0,6 | 6,3 | -0,4 |
SCB | 5,75 | -0,6 | 5,85 | -0,5 | 6,05 | -0,4 |
NCB | 6,3 | -0,5 | 6,35 | -0,35 | 6,4 | -0,5 |
HDBANK | 6,1 | -0,5 | 6,1 | -0,6 | 6,3 | -0,5 |
BVBANK | 5,75 | -0,5 | 5,9 | -0,45 | 6,05 | -0,5 |
TECHCOMBANK | 5,15 | -0,5 | 5,2 | -0,5 | 5,45 | -0,3 |
VIET A BANK | 6,1 | -0,4 | 6,2 | -0,4 | 6,5 | -0,2 |
SACOMBANK | 5,5 | -0,4 | 5,8 | -0,2 | 6,2 | -0,1 |
TPBANK | 5,4 | -0,4 | 5,6 | -0,4 | 5,7 | -0,5 |
MB | 5,2 | -0,4 | 5,3 | -0,4 | 5,6 | -0,5 |
EXIMBANK | 5,2 | -0,4 | 5,5 | -0,4 | 5,6 | -0,1 |
BIDV | 4,6 | -0,4 | 4,6 | -0,3 | 5,5 | -0,3 |
PVCOMBANK | 6,4 | -0,3 | 6,4 | -0,3 | 6,5 | -0,3 |
CBBANK | 6,3 | -0,3 | 6,4 | -0,3 | 6,6 | -0,3 |
BAC A BANK | 6,2 | -0,3 | 6,25 | -0,3 | 6,3 | -0,3 |
OCEANBANK | 5,8 | -0,3 | 5,9 | -0,3 | 6,1 | -0,3 |
SAIGONBANK | 5,7 | -0,3 | 5,7 | -0,3 | 5,9 | -0,3 |
ACB | 5,3 | -0,3 | 5,3 | -0,3 | 5,5 | -0,1 |
VPBANK | 5,2 | -0,3 | 5,2 | -0,3 | 5,5 | -0,3 |
BAOVIETBANK | 6,1 | -0,2 | 6,3 | -0,2 | 6,5 | -0,3 |
SEABANK | 5,2 | -0,2 | 5,35 | -0,2 | 5,5 | -0,2 |
AGRIBANK | 4,7 | -0,2 | 4,7 | -0,2 | 5,5 | -0,3 |
VIETCOMBANK | 4,5 | -0,2 | 4,5 | -0,2 | 5,5 | -0,3 |
DONG A BANK | 6,2 | -0,15 | 6,3 | -0,15 | 6,55 | -0,15 |
LPBANK | 6,3 | 0 | 6,3 | 0 | 6,4 | 0 |
VIB | 5,6 | 0 | 5,6 | 0 | ||
VIETINBANK | 4,7 | 0 | 4,7 | 0 | 5,5 | -0,3 |
Lãi suất sẽ ổn định trong tháng 10?
Nhìn chung lãi suất ngân hàng hình thành mặt bằng mới, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp làm giảm bớt dư thừa thanh khoản thông qua việc liên tục hút tiền về bằng kênh tín phiếu.
Trong ngày 29/9, NHNN tiếp tục hút thêm 3.800 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1%/năm. Đây là phiên đấu thầu tín phiếu có lãi suất cao nhất trong đợt hút tiền 7 phiên liên tiếp gần đây.
Đáng chú ý, phiên đấu thầu lần này chỉ có 4 tổ chức tín dụng tham gia và cả 4 đều trúng thầu. Việc chỉ có 4 tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu, cùng khối lượng đấu thầu chỉ 3.800 tỷ đồng cho thấy thanh khoản trên hệ thống đã không còn quá dư thừa.
Trong 6 phiên trước, mỗi phiên có từ 10.000 – 30.000 tỷ đồng được hút ra khỏi hệ thống. Tính chung từ này 21/9 đến nay Ngân hàng nhà nước đã tạm đưa gần 94.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu.
Những chỉ dấu trên cho thấy nhiều khả năng các ngân hàng sẽ không còn mạnh tay giảm lãi suất huy động trong tháng 10 tới.
Theo tính toán của SSI Research, mức tín phiếu đang lưu hành tối đa mà NHNN đã thực hiện trong nhiều năm trở lại đây là vào khoảng 200.000 tỷ đồng. NHNN vẫn có thể có dư địa để phát hành thêm khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương vào khoảng 6-7 phiên giao dịch nữa với tốc độ hiện tại để đạt được con số này.
Tổ chức này cũng ước tính trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã mua vào 6 tỷ USD bổ sung vào nguồn ngoại hối (tương đương 130.000 tỷ đồng bơm vào thanh khoản hệ thống ngân hàng). Mặc dù NHNN đã sử dụng phương pháp đối ứng tiền tệ dưới hình thức phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát thanh khoản hệ thống tại thời điểm đó, việc bơm ngược trở lại sau 3 tháng giúp hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái dồi dào từ thời điểm đó, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Do đó, việc NHNN phát hành tín phiếu ở thời điểm hiện tại có thể là bước đi ban đầu của NHNN là nhằm kiểm tra thanh khoản toàn hệ thống (nhất là ở thời điểm cuối quý) và có những đánh giá cho mức lãi suất phù hợp trên thị trường 2 để hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.
Như vậy, mốc đánh giá có thể bắt đầu khi tổng khối lượng tín phiếu phát hành đạt mức 130.000 tỷ đồng và yếu tố cần quan sát là diễn biến của mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.