Ngân hàng Nhà nước lo lạm phát ảnh hưởng lãi suất cho vay

15/06/2022 19:32

Phó thống đốc NHNN cho biết lạm phát không còn là áp lực mà đã hiện hữu tại Việt Nam khi giá nhiều mặt hàng đã tăng mạnh sau dịch, đặc biệt là giá xăng dầu.

Đây là chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 15/6.

Cụ thể, Phó thống đốc cho biết trong bối cảnh giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng mạnh gần đây, đặc biệt là giá xăng dầu trong nước, lạm phát không còn là áp lực mà đã hiện hữu với thị trường Việt Nam.

Lạm phát ảnh hưởng tới lãi suất cho vay

Theo Phó thống đốc, một trong những nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng thời gian vừa qua là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng nhập khẩu lạm phát.

Bên cạnh đó, sau 2 năm dịch bệnh, hoạt động kinh doanh, dòng tiền bị gián đoạn, đến nay, khi các hoạt động được nối lại, nhu cầu tiền cung ứng ra nền kinh tế, đưa vào lưu thông đã tăng cao hơn, dẫn tới nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất tăng lên…

“Các vấn đề này tác động trực tiếp đến tỷ giá, lãi suất, khối lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng, vòng quay đồng tiền… NHNN đã đánh giá tác động thời gian qua và chuẩn bị cho các tác động lớn hơn trong thời gian tới”, Phó thống đốc NHNN chia sẻ.

Bên cạnh các yếu tố trong nước, lạm phát cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài khi hàng loạt nền kinh tế lớn ghi nhận mức lạm phát cao nhất 30-40 năm trở lại đây.

Trong đó, lạm phát tại Mỹ đến cuối tháng 5 đã là 8,6%; Anh lạm phát 9% và Đức là 7,04%... Ở khu vực châu Á, lạm phát tại Hàn Quốc cùng giai đoạn cũng là 5,4%; Thái Lan 7,1%; Philippines 5,4%; Indonesia 3,6%...

Ngân hàng Nhà nước lo lạm phát ảnh hưởng lãi suất cho vay - 1

NHNN lo ngại lạm phát gia tăng về cuối năm có thể tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Ảnh: NHNN.

Theo Phó thống đốc, tình hình lạm phát kể trên đã tác động rất lớn đến lãi suất cho vay và đời sống mỗi người dân tại các quốc gia này.

Với các diễn biến kể trên, Phó thống đốc đánh giá việc Việt Nam duy trì được mức lạm phát 2,25% đến cuối tháng 5 đã là thành công. Trong đó, lạm phát cơ bản liên quan lĩnh vực tiền tệ chỉ là 1,1%, còn lại là lạm phát do giá cả, chủ yếu là giá xăng dầu tăng cao.

Trong giai đoạn cuối năm, Phó thống đốc cho biết NHNN đã đánh giá, lường trước các yếu tố bất lợi cho thị trường, đặc biệt là lạm phát, từ đó có phương án tính toán để thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác hợp lý, tích cực.

“Mục tiêu sau cùng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền”, ông Tú nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay tăng 0,09% từ đầu năm

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ, cũng cho biết dù lạm phát đã được kiểm soát ở mức 2,25%, nhưng với các diễn biến quốc tế và giá cả trong nước, áp lực từ nay đến cuối năm và năm 2023 là rất lớn.

Ông đánh giá rủi ro lạm phát lớn nhất với thị trường hiện nay là biến động giá dầu trong nước và quốc tế, cùng với đó là những cú sốc về chuỗi cung ứng, dẫn tới mặt bằng giá cả các nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, áp lực này càng lớn hơn khi NHNN vẫn chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, trong khi quốc tế đang ghi nhận làn sóng tăng lãi suất điều hành. Năm 2021, đã có 113 đợt tăng lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương các nước và chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có thêm 144 đợt tăng lãi suất.

DỰ BÁO MỨC TĂNG LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2023
Nguồn: HSBC; Tổng hợp
NhãnQuý I/2022IIIIIIVQuý I/2023IIIIIIV
Việt Nam%/năm444.54.54.7555.255.25
Thái Lan0.50.50.50.750.7511.251.25
Singapore11.51.51.51.5222

“Đêm nay, Ủy ban Thị trường mở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED sẽ họp và dự báo tăng lãi suất cơ bản lên 0,75%/năm. Từ nay đến cuối năm, mức lãi suất này có thể tăng lên 2,75 - 3%. Điều này sẽ tác động rất lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước”, ông Quang nhấn mạnh.

Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ cho biết nhờ việc kiểm soát được lạm phát, mặt bằng lãi suất cho vay trong nước mới chỉ tăng 0,09% từ đầu năm. Tuy nhiên, khi lạm phát gia tăng về cuối năm sẽ trực tiếp tạo áp lực lên lãi suất.

Về vấn đề tỷ giá USD/VNĐ, ông Quang cho biết chỉ số USD-Index đã tăng ròng hơn 9% từ đầu năm đến nay, trong khi Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tỷ giá và tiền Đồng mới chỉ mất giá khoảng 1,8%.

Trong khi đó, nhiều đồng tiền khác trong khu vực đã ghi nhận mức giảm giá lớn so với đồng bạc xanh như: Nhân Dân Tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất giá 4,7%; Tân Đài Tệ mất 6%; Bath Thái mất 3,4% và Yên Nhật mất gần 16%...

“Từ nay đến cuối năm, mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ sử dụng đồng bộ các công cụ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá… để kiểm soát bằng được lạm phát, không để ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, từ đó duy trì mặt bằng lãi suất ổn định”, ông Quang nhấn mạnh.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định từ nay đến cuối năm NHNN vẫn chủ trương đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên và các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như chuỗi du lịch, hàng không, vận tải… Tuy nhiên, một số lĩnh vực sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

(Nguồn: Zing News)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước lo lạm phát ảnh hưởng lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO