Tiếp tục cải thiện chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng - Vietnam Security Summit 2021, cùng với việc thông tin về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI của Việt Nam những năm gần đây, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã công bố Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương năm 2020.
Đại diện Cục An toàn thông tin công bố Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương năm 2020. |
Trong 3 kỳ xếp hạng gần đây của Liên minh Viễn thông thế giới – ITU, chỉ số GCI đã liên tục tăng, từ thứ 100 thế giới vào năm 2017 lên xếp thứ 50 vào năm 2018 và tăng tiếp 25 bậc trong năm 2020 để vươn lên xếp 25/194 quốc gia, với tổng số điểm đạt được là 94,55, trong đó có 2 trụ cột “Pháp lý” và “Hợp tác” đều đạt điểm tuyệt đối 20/20.
Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu - GCI của Việt Nam năm 2020. |
Thứ hạng 25 thế giới là bước phát triển đặc biệt của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, đây là kết quả nỗ lực chung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng Việt Nam.
“Thời gian tới, chúng ta phải duy trì và tiếp tục cải thiện năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia. Chúng ta cần tạo lập niềm tin số và triển khai an toàn thông tin mạng cho tất cả, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng nói.
Nhận định việc duy trì và nâng cao hơn nữa thứ hạng về an toàn, an ninh mạng là thách thức không nhỏ trong những năm tới, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc cho biết, 1 trong 8 mục tiêu Việt Nam hướng tới là duy trì thứ hạng 25, hướng tới thứ hạng 20 về chỉ số GCI.
Hướng tới mục tiêu này, trong các năm 2021 - 2022, Bộ TT&TT đã và sẽ triển khai nhiều việc để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng của Việt Nam trên cả 5 trụ cột gồm pháp lý, kỹ thuật, nâng cao năng lực, tổ chức và hợp tác.
Cụ thể, về kỹ thuật sẽ hoàn thiện các hệ thống bảo đảm an toàn thông tin cấp quốc gia, phát triển Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng trong 11 lĩnh vực quan trọng. Đối với trụ cột nâng cao năng lực, sẽ tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến tuyên truyền, phổ biến kỹ năng an toàn thông tin cho người dùng; ban hành chuẩn kỹ năng an toàn thông tin, đồng thời phát triển sinh thái sản phẩm an toàn thông tin.
9 bộ, ngành, địa phương xếp loại A về an toàn thông tin mạng
Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương năm 2020 tiếp tục được Cục An toàn thông tin đánh giá tổng thể dựa trên 50% đánh giá thực tế và 50% khảo sát, theo 5 trụ cột phát triển an toàn không gian mạng tương tự GCI (pháp lý, kỹ thuật, nâng cao năng lực, tổ chức, hợp tác).
Trong năm thứ 3 thực hiện đánh giá và xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương, Cục An toàn thông tin đánh giá 89 cơ quan, gồm 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ các Bộ: Công an, Quốc phòng, TT&TT) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 89 cơ quan được đánh giá, so với năm 2019, có 36 cơ quan tăng hạng, 50 cơ quan giữ hạng và 4 cơ quan tụt hạng. Qua 3 kỳ đánh giá từ năm 2018 đến nay, số bộ, ngành, địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt) đã từ con số 0 năm 2018 lên 4 bộ, tỉnh vào năm 2019 và đạt 9 đơn vị vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 10%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, năm 2020, trên cả nước tổng số các cơ quan đạt loại B (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức khá) là 64, chiếm 61%; 16 cơ quan xếp loại C (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức trung bình), chiếm 29%. Không có bộ, địa phương xếp loại D (mới bắt đầu quan tâm triển khai an toàn thông tin) và E (chưa quan tâm triển khai an toàn thông tin).
Bộ Giao thông vận tải là 1 trong 2 cơ quan đạt loại A trong tổng số 26 bộ, ngành được đánh giá, xếp hạng. |
Trong 26 cơ quan khối bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải là 2 cơ quan xếp loại A. Với khối địa phương, 7 tỉnh, thành phố xếp loại A về mức độ sẵn sàng đảm bảo an toàn thông tin mạng gồm có: Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Quảng Ninh.
Kết quả đánh giá xếp hạng cho thấy đa số các bộ, ngành đã quan tâm và bước đầu triển khai tốt hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng, góp phần bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo Cục An toàn thông tin, bảng xếp hạng mới công bố chỉ có tính chất tương đối và quan trọng hơn cả là giúp các bộ, tỉnh thành tự đánh giá năng lực của mình. “Qua đánh giá xếp hạng, các bộ, ngành, địa phương thấy được năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng của chính cơ quan, đơn vị mình để dựa vào đó ban hành những quy định, chính sách còn thiếu, yếu. Đồng thời, chúng tôi cũng nắm được thực trạng đảm bảo an toàn thông tin mạng ở Việt Nam, từ đó đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược phù hợp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.
Vân Anh