Tạo thông thoáng để đẩy lùi 'tín dụng đen'
Thông tư 12/2024/TT-NHNN (Thông tư 12) sửa đổi một số điều của Thông tư 39 năm 2016 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Hai thay đổi quan trọng của thông tư này là khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức có liên quan; các khoản vay nhỏ (dưới 100 triệu đồng) khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.
Về quy định bắt buộc khách hàng phải cung cấp thông tin người liên quan khi vay vốn, theo bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - mục đích để tổ chức tín dụng xác định giới hạn cấp tín dụng của khách hàng và người liên quan, từ đó bảo đảm an toàn tín dụng.
Việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn. Qua đó, sẽ kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng.
“Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, đây không phải là quy định lỏng lẻo mà muốn đẩy mạnh tài chính tiêu dùng; tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp.
“Thông tư 12 chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, bởi đây thường là những khoản nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng", ông Tú nói.
Ngân hàng chuyển hướng cho vay tiêu dùng
Cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của toàn ngành, tương đương 2,8 triệu tỷ đồng. 16 tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất đang triển khai tới 30 sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Có thể kể đến Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank đã giải ngân cho hơn 811.000 lượt khách hàng vay vốn, hiện chỉ còn hơn 83.000 khách hàng còn dư nợ;
Gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của hai công ty tài chính HD Saison và FE Credit cho công nhân vay với lãi suất thấp đến nay giải ngân được hơn 5.300 tỷ đồng.
Ngoài ra là chương trình cho vay tiêu dùng trị giá 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Một số ngân hàng thương mại như Agribank, LPBank đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Kể cả những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Việc vừa phải tạo thuận lợi cho người vay nhưng vẫn phải đảm bảo thu hồi được vốn là bài toán buộc các ngân hàng thương mại phải cân nhắc, lựa chọn hài hoà.
Trước việc một số công ty tài chính cho vay tiêu dùng có những phương thức đòi nợ chưa phù hợp, cũng như lãi suất cho vay quá cao,... Phó Thống đốc thông tin NHNN đã có hành lang pháp lý chấn chỉnh việc này, nếu không sẽ dẫn đến mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của các NHTM có công ty con là công ty tài chính.
Việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả và bền vững là rất cần thiết, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tín dụng tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tăng trưởng và tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng.
Không chỉ vậy, nợ xấu nói chung của toàn hệ thống cũng có xu hướng tăng khá cao.
Ông Tú cho hay, tính đến 30/6/2024, nợ xấu nội bảng tại hệ thống các tổ chức tín dụng khoảng gần 5%. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu đang bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, con số này lên tới khoảng 6,9% tổng dư nợ của toàn ngành.
Theo Phó Thống đốc, nợ xấu không phải là do sự yếu kém của tổ chức tín dụng mà là do hệ quả của đại dịch Covid-19. Giải quyết nợ xấu là trách nhiệm chung của ngân hàng cho vay và người đi vay.
Mục tiêu quan trọng đặt ra tại Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 là hướng tới tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, bao gồm nợ tiềm ẩn, vào cuối năm 2025. Do đó, các tổ chức tín dụng đang triển khai phương án cơ cấu lại, trong đó có việc triển khai phương án xử lý nợ xấu.