Ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất: Dư nợ bằng 10 ngân hàng khác cộng lại

08/11/2023 11:18

12 ngân hàng công khai dư nợ tín dụng cho bất động sản 9 tháng đầu năm với tổng dư nợ 430.000 tỷ đồng, tăng 144.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong đó riêng Techcombank cho vay 160.000 tỷ, bằng 10 ngân hàng cộng lại.

Chỉ có 12/27 ngân hàng niêm yết công bố chi tiết phân tích dư nợ theo từng ngành nghề kinh doanh trong báo cáo tài chính quý III.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023 của các ngân hàng, tổng dư nợ cho vay bất động sản của nhóm 12 ngân hàng đến 30/9 là gần 430.000 tỷ đồng, tăng 144.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Theo thứ tự các ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhất tính đến 30/9 lần lượt gồm: Techcombank 160.000 tỷ đồng; VPBank 79.500 tỷ đồng; SHB 66.500 tỷ đồng; HDBank 35.600 tỷ đồng; MB 34.500 tỷ đồng; TPBank 13.600 tỷ đồng; VietBank 13.200 tỷ đồng; MSB 12.500 tỷ đồng; VietCapital Bank (BVBank) 7.000 tỷ đồng; KienLongBank 3.000 tỷ đồng; PG Bank 2.000 tỷ đồng; và VIB 1.700 tỷ đồng.

Trong đó, có ba ngân hàng giảm dư nợ cho vay BĐS so với cuối năm ngoái gồm: VietCapital Bank (giảm 381 tỷ đồng), PG Bank (giảm 220 tỷ đồng) và VIB (giảm 300 tỷ đồng).

Tính riêng dư nợ của Techcombank, dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank gần bằng 9-10 ngân hàng khác gộp lại.

Tổng dư nợ cho vay bất động sản 9 ngân hàng gồm HDBank, MB, TPBank, VietBank, MSB 12.500, VietCapital Bank (BVBank), KienLongBank, PG Bank và VIB đạt khoảng 120.000 tỷ, còn thấp hơn dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank 40.000 tỷ đồng.

Là ngân hàng giải ngân cho vay BĐS lớn nhất, Techcombank cũng dẫn đầu về tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ.

Với hơn 160.000 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, con số này chiếm đến 34,63% tổng dư nợ của Techcombank, tính đến ngày 30/9. Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2022, dư nợ cho vay BĐS của Techcombank là 109.000 tỷ đồng, tương đương 26,44% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, con số cho vay BĐS tại Techcombank mới chỉ phản ánh trong cho vay đối với doanh nghiệp. Trong khi có tới 42,6% tín dụng của ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân (gần 200.000 tỷ đồng). Cho nên, có thể không ít người trong số này cũng vay vốn để đầu tư BĐS.

Tỷ lệ cho vay BĐS tại VPBank cũng tăng so với cuối năm ngoái. Doanh số cho vay BĐS đối với khách hàng doanh nghiệp đạt 79.500 tỷ đồng, chiếm 17,71% tổng dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm. Con số này đã tăng so với cuối năm ngoái, từ mức 52.000 tỷ đồng, tương đương 14,39% tổng dư nợ ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, không như các ngân hàng khác để “ẩn” thông tin cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân, VPBank công khai khoản dư nợ gần 88.500 tỷ đồng “cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở”. Khoản dư nợ này chiếm tỷ trọng 19,48% tổng dư nợ cho vay (giảm nhẹ so với cuối năm ngoái là 22,93%).

Tại SHB, dư nợ cho vay BĐS tại cuối tháng 9 là 66.580 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,38% tổng dư nợ cho vay. Tại thời điểm 31/12/2022, con số này chỉ là 30.419 tỷ đồng, chiếm 8,33%.

Còn tại MB, dư nợ cho vay BĐS tại thời điểm 30/9 là 34.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,81% tổng dư nợ cho vay khách hàng (tại thời điểm 31/12/2022 là 21.357 tỷ đồng, chiếm 4,91%).

Tại TPBank, cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 13.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,58% tổng dư nợ. Con số này đã tăng so với thời điểm cuối năm 2022 khi doanh số cho vay BĐS là 10.165 tỷ đồng, tương đương 6,31%.

Với MSB, ngân hàng dành 12.450 tỷ đồng (8,87% tổng dư nợ) cho vay bất động sản tại ngày 30/9. Trong khi đó, thời điểm 31/12 năm ngoái, dư nợ cho vay BĐS là 10.386 tỷ đồng (8,75% tổng dư nợ).

Trong số các ngân hàng công bố chi tiết về phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh, VIB là ngân hàng cho vay BĐS thấp nhất khi chỉ có 1.697 tỷ đồng, tương đương 0,69% tổng dư nợ, được dành để cho vay trong lĩnh vực này.

Thậm chí tỷ trọng cho vay BĐS tại VIB đã giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm ngoái khi tỷ trọng cho vay BĐS/tổng dư nợ cuối năm ngoái là 0,86%.

Điều đáng chú ý là dù chỉ dành ra 1.697 tỷ đồng cho vay BĐS, nhưng giá trị tài sản thế chấp cho các khoản vay liên quan BĐS tại thời điểm 30/9 lên đến 353.000 tỷ đồng, bao gồm tài sản, giấy tờ có giá, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu.

VIB vốn là ngân hàng tập trung tín dụng lĩnh vực làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình. Tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực này cuối tháng 9/2023 lên đến 83,47%, trong khi cuối năm ngoái là 87,63%.

DƯ NỢ CHO VAY BĐS TẠI 12 NGÂN HÀNG TÍNH ĐẾN 30/9 (đvt: tỷ đồng)
STT NGÂN HÀNG30/9/202331/12/2022
1TECHCOMBANK160.000109.000
2VPBANK79.50052.000
3SHB66.50030.400
4HDBANK35.60021.000
5MB34.50024.300
6TPBANK13.60010.600
7VIETBANK13.20013.100
8MSB12.50010.400
9VIETCAPITAL BANK7.0007.300
10KIENLONGBANK3.0002.900
11PGBANK2.0002.200
12VIB1.7002.000
Tại công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/10 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực BĐS, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.
Thủ tướng yêu cầu có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án BĐS khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất: Dư nợ bằng 10 ngân hàng khác cộng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO