Khảo sát của một đơn vị truyền thông thực hiện năm 2021 cho thấy, trong một nhịp đèn tín hiệu giao thông (khoảng hơn 90 giây) tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng, đã có 87 phương tiện xe máy và ô tô vượt đèn đỏ.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2022, toàn thành phố xảy ra 812 vụ tai nạn giao thông làm 410 người chết, 574 người bị thương.
Dẫn chiếu vấn đề văn hóa giao thông sang các nước châu Á mà điển hình là Nhật Bản, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết, người dân nước này tuân thủ tuyệt đối việc xếp hàng. Tương tự như ở Indonesia, trong trường hợp giao thông ùn tắc, hàng dài xe vẫn chờ đợi dù làn đường bên cạnh trống không.
Ở những nước này, khi một xe bus dừng lại cho hành khách xuống, hoặc tàu điện dừng trả khách thì tất cả phương tiện khác đều nhường đường.
“Văn hoá giao thông của chúng ta là điền vào chỗ trống. Tất nhiên hạ tầng có ảnh hưởng nhưng những trường hợp như thế này không thể đổ cho hạ tầng được, trước hết phải là ý thức”, ông Đức khẳng định.
Ông Đức cho rằng, tại Việt Nam không có cơ quan nào chịu trách nhiệm làm đầu mối về tuyên truyền, giáo dục văn hoá giao thông.
Trong lần tham gia cuộc điều tra của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng thế giới (World Bank), ông Đức từng gặp rất nhiều cơ quan để hỏi đơn vị nào phụ trách tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông.
Kết quả là nhiều cơ quan thực hiện việc này từ Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đến các trường học, công an, Ủy ban ATGT Quốc gia… nhưng đầu mối thì không có.
“Điều đó tức là tuyên truyền, giáo dục văn hoá giao thông của chúng ta như trăm hoa đua nở, đơn vị nào cũng làm nhưng không có chỉ đạo nhất định. Vì vậy, các hình thức cứ lặp đi lặp lại như nhau (khẩu hiệu, diễu hành, các cuộc thi tìm hiểu...) mà không có gì mới, sáng tạo.
Trong khi tuyên truyền văn hoá giao thông phải bài bản, giai đoạn này tập trung vào vấn đề A, giai đoạn khác tập trung vấn đề B. Muốn làm được như thế thì phải có đầu mối”, ông Đức phân tích.
Ông Đức cho rằng, do không có cơ quan đầu mối nên hiện nay việc tuyên truyền văn hoá giao thông đang quy về Ủy ban ATGT Quốc gia. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ mang tính phối hợp hoạt động giữa các cơ quan với nhau. Muốn phát triển văn hoá giao thông, phải có một cơ quan đầu mối có quyền lực chịu trách nhiệm.
Theo ông Đức, trong bối cảnh hiện nay cơ quan có thể giải quyết triệt để vấn đề này là cảnh sát giao thông.
Thời gian gần đây, khi lực lượng cảnh sát quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn đã làm giảm hẳn tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe.
“Từ thực tế trên, tôi cho rằng đầu mối về tuyên truyền văn hoá giao thông nên giao cho cảnh sát giao thông làm là hiệu quả nhất. Tất nhiên, để thực hiện việc này triệt để thì chính lực lượng cảnh sát giao thông cũng phải nghiêm túc, tránh việc vì lý do nào đó mà bỏ qua lỗi vi phạm.
Xây dựng văn hoá giao thông vừa phải tuyên truyền đi kèm cưỡng chế. Trong đó, các biện pháp cưỡng chế của cảnh sát giao thông có tác động ngay lập tức, có tác dụng ngăn ngừa vi phạm an toàn giao thông rất mạnh.
Về lâu dài, cần có chiến lược tuyên truyền về văn hoá tham gia giao thông cho người dân”, ông Đức cho hay.