Ngày 13/2, phát biểu với Reuters, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết Ukraine thấy “thật vô ích” khi đóng cửa không phận, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga: “Điểm quan trọng nhất là bản thân Ukraine nhận thấy việc đóng cửa không phận chẳng có lợi ích gì. Thật vô nghĩa. Và, theo tôi, điều này phần nào giống như kiểu phong tỏa một phần”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (trái) và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Vasily Gerasimov. (Nguồn: Sputnik) |
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã so sánh các nỗ lực ngoại giao của phương Tây nhằm ngăn Nga tấn công Ukraine với chính sách nhân nhượng Đức Quốc xã trước Thế chiến II.
Phát biểu với tờ Sunday Times (Anh), ông Wallace nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ồ ạt triển khai quân tới Ukraine “bất cứ lúc nào” và cho rằng các nước phương Tây đã không đủ cứng rắn với Moscow: “Có thể ông (Putin) chỉ dừng hoạt động của các xe tăng Nga và tất cả chúng ta rút về nước nhưng vẫn có hơi hướng của Hiệp ước Munich trong một số nước phương Tây”.
Hiệp ước Munich năm 1938 được ký giữa Anh, Pháp, Đức Quốc xã và Italy, cho phép Đức sáp nhập những phần đất của Czechoslovakia (Tiệp Khắc), nơi có đa số dân Đức sinh sống. Hiệp ước này đi vào lịch sử như là bài học đắt giá về sự nhượng bộ ngoại giao chỉ có tác dụng khuyến khích kẻ xâm lược lấn tới.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã “qua lại” Moscow với hy vọng thuyết phục ông Putin ngừng hoạt động quân sự của mình. Ông Wallace nói: “Điều đáng lo ngại là bất chấp số lượng lớn các hoạt động ngoại giao được tăng cường, song hoạt động triển khai quân sự vẫn tiếp tục. Hoạt động này không dừng lại mà vẫn tiếp diễn”.