"Quân đội Nga đã rút lui, rút lui chiến thuật khỏi làng Robotyne bởi vì việc cố thủ ở đó lúc này là vô nghĩa. Do vậy, quân Nga đã rút về phía các quả đồi", trang tin RBC dẫn lời ông Yevgeny Balitsky, quan chức trong chính quyền Zaporizhia do Nga bổ nhiệm ở miền Nam Ukraine, ngày 6/9 cho biết.
Trước đó, Nga không thừa nhận việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát Robotyne hôm 28/8. Bộ Quốc phòng Nga khi đó nói rằng lực lượng của họ đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của Ukraine gần ngôi làng này.
Robotyne nằm ở trung tâm của tuyến đầu tiên trong 3 tuyến phòng thủ của Nga tại miền Nam Ukraine. Phòng tuyến đầu tiên cũng được coi là kiên cố nhất. Nga quyết giữ Robotyne vì nó án ngữ trên con đường huyết mạch hướng đến Tokmak, nơi được coi là căn cứ chiến lược của họ.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nếu vượt qua được Robotyne, quân đội Ukraine có thể hoạt động bên ngoài các khu vực mà Nga bố trí mìn dày đặc nhất.
ISW cho rằng, việc Ukraine giành lại Robotyne cho thấy họ "đã thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến này". Việc chọc thủng phòng tuyến thứ nhất cho phép mở đường tiến sâu hơn vào hậu phương của phía Nga.
Việc Ukraine giành lại Robotyne có thể mang đến cho Ukraine chút ít lợi thế về mặt chiến thuật. Tuy nhiên, làng Robotyne chỉ cách Orikhiv, nơi Ukraine bắt đầu cuộc phản công khoảng 12km về phía nam.
Để đạt mục tiêu đề ra, Kiev vẫn cần phải tiến thêm 22km để đến Tokmak, thành trì của Nga, và đến Melitopol ở bờ biển Azov cách đó hơn 80km.
Hơn nữa, theo một số chuyên gia, khai thác lợi thế sau khi giành lại Robotyne cũng không hề dễ dàng đối với Ukraine bởi một bước tiến như vậy chưa đủ để ngay lập tức gây khó khăn cho quân Nga hay "bóp nghẹt" thế trận của Nga ở miền Nam.
Isabelle Dufour, giám đốc nghiên cứu chiến lược của Eurocrise, cảnh báo lực lượng Ukraine vẫn có thể bị phía Nga bao vây khi tìm cách vượt qua hành lang hẹp vừa được mở. BBC dẫn nguồn thạo tin cho hay, gần đây, Nga đã điều các đơn vị tinh nhuệ từ các khu vực khác dọc chiến tuyến để củng cố phòng thủ cho Robotyne.
Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6. Mục tiêu của Kiev là cắt đứt hành lang trên bộ của Nga từ miền Nam Ukraine đến bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, tốc độ phản công bị cho là chậm hơn so với mong đợi do vấp phải hệ thống phòng thủ kiên cố nhiều lớp của Nga, đặc biệt là các bãi mìn dày đặc tại chiến trường miền Nam.
Trong bối cảnh đó, Ukraine kêu gọi Mỹ và các đối tác phương Tây đẩy mạnh viện trợ. Guardian đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay 6/9 đã đến Kiev, bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày.
Đây là lần đầu tiên ông Blinken tới Kiev kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Trong chuyến thăm này, ông Blinken được cho là sẽ công bố gói viện trợ mới hơn 1 tỷ USD dành cho Ukraine.