"Nga nhận thức được mối nguy hiểm mà bom chùm gây ra cho dân thường. Đó là lý do Nga chưa bao giờ sử dụng bom chùm trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, nếu lực lượng vũ trang Ukraine quyết định sử dụng loại bom này, Nga sẽ buộc phải đáp trả tương xứng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 13/7.
Bà Zakharova nhắc lại rằng quyết định của Mỹ về việc cung cấp bom chùm cho chính quyền Kiev đã gây sốc cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Bà nói thêm rằng nhiều quốc gia, bao gồm các nước phương Tây, đã công khai tuyên bố việc sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine là không thể chấp nhận được.
"Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đã đề cập đến vấn đề cung cấp bom chùm cho Kiev vào ngày 8/7, nói rằng "loại vũ khí này nhất định không được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào". Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết nước này hy vọng sẽ triển khai rộng rãi Công ước về Bom, đạn chùm năm 2008. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ tại London vào ngày 10/7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tái khẳng định rằng Anh tuân thủ các cam kết của mình theo công ước, trong đó bao gồm việc không khuyến khích sử dụng bom chùm", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Bà Zakharova cho biết quyết định của chính quyền Mỹ về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine cũng bị các lực lượng chính trị trong nước phản đối.
"Vào ngày 8/7, 19 nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng lập trường hàng đầu của Nhà Trắng trong lĩnh vực nhân quyền ngụ ý quyết định không chuyển giao bom chùm gây rủi ro nghiêm trọng cho dân thường", bà Zakharova nhấn mạnh.
Bà Zakharova nhắc lại rằng 123 quốc gia đã ký Công ước về Bom, đạn chùm năm 2008 về việc cấm loại vũ khí này.
"Quyết định của Washington về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine xuất phát từ mong muốn gây thiệt hại chiến lược tối đa cho Nga. Mỹ thừa nhận kho đạn dược của họ đang cạn kiệt, vì vậy các loại vũ khí vô nhân đạo đang được sử dụng. Đồng thời, người Mỹ không quan tâm đến việc dân thường thiệt mạng do hành động tội ác của họ. Họ thực sự sẵn sàng "chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng"", nhà ngoại giao Nga tuyên bố.
Phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi quân đội Ukraine thông báo đã nhận được bom chùm do Mỹ viện trợ.
Đạn chùm hay bom chùm khi kích nổ sẽ phân tán các viên đạn nhỏ ra khu vực rộng lớn. Các viên đạn nhỏ có thể không phát nổ hết khi được bung ra và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn. Đạn chùm đã bị 123 quốc gia cấm vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với dân thường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/7 cảnh báo việc cung cấp vũ khí mới của phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Putin, việc cung cấp vũ khí mới "sẽ khiến leo thang xung đột hơn nữa".
"Đối với những thay đổi có thể xảy ra trên chiến trường, việc cung cấp vũ khí mới sẽ không dẫn đến bất cứ điều gì mà chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với Ukraine", ông Putin nói.
Trước đó, Mỹ nói rằng đã có văn bản đảm bảo từ Ukraine rằng bom chùm sẽ không được sử dụng ở những khu vực có dân thường và việc sử dụng vũ khí này sẽ được theo dõi để đảm bảo hoạt động rà phá bom mìn sau này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định việc cung cấp bom chùm chỉ là "tạm thời".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo nếu Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải dùng đến vũ khí tương xứng để đáp trả lực lượng Ukraine. Theo ông Shoigu, quân đội Nga đã chuẩn bị sẵn các biện pháp nhằm bảo vệ lực lượng khỏi bom chùm của Mỹ ở Ukraine.