Nga có thực sự xuất khẩu vũ khí ít hơn Pháp?

22/03/2024 16:21

Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Pháp đã vượt qua Nga để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao và liệu Nga có thực sự bị Pháp lấn át?

Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT) Igor Korotchenko đã có bài phân tích đăng trên các trang web về vũ khí, quân sự, quốc phòng uy tín như Defense Mirror và Military Africa, đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ tin cậy của báo cáo của SIPRI.

Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT) Igor Korotchenko. Ảnh: Defense Mirror

Báo cáo của SIPRI

Trên thị trường vũ khí toàn cầu, độ chính xác của dữ liệu là điều tối quan trọng để nắm chắc xu hướng phát triển và ý nghĩa về an ninh quốc gia. Với việc đưa ra báo cáo về sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu vũ khí của Nga, SIPRI đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích và bị cho là đã đưa ra những kết luận dựa trên dữ liệu chưa đầy đủ và chưa được xác minh.

Theo SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Pháp giai đoạn 2019 - 2023 tăng 47% so với giai đoạn 2014-2018. Khách hàng chính của Pháp là các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương (42%) và các quốc gia ở Trung Đông (34%). Quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Pháp là Ấn Độ, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu. Pháp đạt được doanh số bán hàng kỷ lục trong bối cảnh chi tiêu quân sự của các quốc gia tăng cao chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. SIPRI cũng nhận định kết quả nói trên phần lớn là do xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale, do nhà thầu quốc phòng Pháp Dassault Aviation phát triển, cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.

Pháp đạt được doanh số bán hàng kỷ lục phần lớn là do xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập. Ảnh minh họa: Middle East Transparent 

Trong khi đó, cũng số liệu của SIPRI cho thấy xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2019 - 2023 đã giảm hơn một nửa, 53%, so với giai đoạn 2014 - 2018. Trong năm 2019, Nga xuất khẩu vũ khí sang 31 quốc gia nhưng đến năm 2023, số quốc gia tiếp nhận vũ khí của Moscow đã giảm xuống còn 12. Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nước duy trì thương mại dầu khí với Nga, vẫn là những khách hàng quan trọng nhất của Nga.

Xếp hạng của SIPRI được đánh giá dựa trên dữ liệu xuất nhập khẩu vũ khí của các nước trên toàn thế giới, căn cứ vào hợp đồng thương mại của các tập đoàn, nhà thầu vũ khí.

Sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga, theo tình báo quốc phòng Anh, có thể do một số yếu tố bao gồm việc Nga ưu tiên vũ khí, khí tài cho các hoạt động quân sự ở Ukraine sau những tổn thất ở đây và nhu cầu của khách hàng giảm do nguy cơ phải đối mặt với lệnh trừng phạt liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tác động của lệnh cấm vận

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí thế giới (CAWAT) Igor Korotchenko, khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cơ quan chính thức của Nga đã ngừng công bố dữ liệu về các hợp đồng xuất khẩu vũ khí, bao gồm cả việc cung cấp thông tin này cho các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc. Cụ thể, Rosoboronexport, tập đoàn vũ khí hàng đầu của Nga, đã giảm đáng kể việc cung cấp dữ liệu mua sắm từ tất cả các nước. Động thái này là để đáp ứng nhu cầu bảo mật của các quốc gia nhập khẩu vũ khí của Nga do lo ngại phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, điều đó lại vô tình ảnh hưởng đến tính minh bạch dữ liệu xuất khẩu vũ khí của Nga.

Theo ông Igor Korotchenko, các lệnh trừng phạt của Mỹ, một phần dựa trên Đạo luật chống lại đối thủ thông qua biện pháp trừng phạt của Mỹ (CAATSA), đã buộc Moscow phải từ bỏ việc tiết lộ chủng loại vũ khí, số lượng đơn hàng cũng như quốc gia khách hàng. Theo đó, mức độ minh bạch của dữ liệu liên quan đến hợp đồng xuất khẩu vũ khí mới do Nga cung cấp giảm dần và điều này làm xấu đi hiệu quả hoạt động của Nga trong các bảng xếp hạng các nước xuất khẩu vũ khí do các trung tâm phân tích theo dõi thị trường vũ khí toàn cầu thực hiện, trong đó có SIPRI.

Nga vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận cung cấp 5 tổ hợp hệ thống phòng không S-400 Triumph cho Ấn Độ bất chấp các lệnh trừng phạt. Ảnh minh họa: Reuters 

CAWAT cũng chỉ ra rằng có những ngoại lệ về thông tin khách hàng và số lượng cũng như chủng loại vũ khí Nga xuất khẩu. Một trong những ngoại lệ đó là thỏa thuận cung cấp 5 tổ hợp hệ thống phòng không S-400 Triumph cho Ấn Độ. Thỏa thuận này vẫn tiếp tục được thực hiện bất chấp các lệnh trừng phạt do nó thuộc những hợp đồng lớn đã được ký kết với Nga trước khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Trang Defense Mirror cũng cho biết, báo cáo của SIPRI có thể chưa đầy đủ vì Moscow đã sử dụng các biện pháp thương mại đối kháng và trao đổi hàng hóa thay vì tiền bên cạnh các thỏa thuận không được tiết lộ khi nước này đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh bị phương Tây áp nhiều lệnh trừng phạt và hiện còn đang xung đột với Ukraine. Điều này dẫn đến việc khối lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trên các báo cáo là giảm, nhưng không nhất thiết sụt giảm trên thực tế.

Khoảng trống thông tin hay chiến tranh thông tin?

Ông Igor Korotchenko khẳng định, SIPRI chỉ có thông tin hạn chế khi đưa ra kết luận về sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu vũ khí của Nga. Ông cũng cho rằng số liệu thống kê đầy đủ và đáng tin cậy sẽ chỉ xuất hiện khi Mỹ không còn đe dọa trừng phạt các đối tác của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự viện dẫn luật CAATSA và điều khoản liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Với Nga, việc đánh giá xuất khẩu vũ khí theo các hợp đồng chính thức cũng đã dần mất đi tính hợp lý sau khi chính phủ Mỹ thông qua đạo luật CAATSA vào năm 2017. Kể từ đó, hằng năm, tính minh bạch của dữ liệu được cung cấp liên quan đến các hợp đồng xuất khẩu vũ khí mới liên tục giảm. Ông Igor Korotchenko còn coi báo cáo của SIPRI là một phần của “cuộc chiến thông tin” chống lại Nga, với những suy luận có động cơ chính trị dựa trên dữ liệu đầu vào hết sức hạn chế. Ông nói: “Hiện tại, về xuất khẩu vũ khí của Nga, chúng ta cần đánh giá thực tế tình hình chứ không phải là tìm đến những đánh giá của phương Tây. Những báo cáo của phương Tây có động cơ chính trị và là một phần trong cuộc chiến thông tin chống lại Nga”.

Dữ liệu của SIPRI về xuất khẩu vũ khí của Nga là chưa đầy đủ và chưa thể khẳng định Pháp đã vượt lên Nga và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Ảnh minh họa: Getty Images

Theo CAWAT, dữ liệu của SIPRI về xuất khẩu vũ khí của Nga là chưa đầy đủ và chưa thể khẳng định Pháp đã lần đầu tiên vượt lên trên Nga và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. CAWAT cũng khẳng định một điều chắc chắn là xuất khẩu vũ khí của Nga trong tương lai sẽ tăng vì nhiều loại vũ khí của Nga đang được đưa vào thực chiến ở Ukraine, chứng minh tính hiệu quả và được điều chỉnh phù hợp với thực tế chiến tranh hiện đại.

Thông qua bài phân tích, CAWAT kêu gọi cộng đồng quốc tế nên thận trọng với những đánh giá của các trung tâm phân tích phương Tây, nhấn mạnh những hạn chế của dữ liệu do tình hình địa chính trị hiện tại. CAWAT cũng khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên thừa nhận sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Về xuất khẩu vũ khí thực tế của Nga, Giám đốc CAWAT Igor Korotchenko cho biết, theo số liệu chính thức, danh mục đơn đặt hàng xuất khẩu vũ khí của Nga trong những năm gần đây ổn định ở mức 55 tỷ USD. Tính đến năm 2023, con số này thậm chí còn cao hơn. Nếu coi thời gian thực hiện hợp đồng dài hạn là 4 năm thì khối lượng xuất khẩu vũ khí hằng năm của Nga đạt trung bình 13,75 tỷ USD.

HỮU DƯƠNG - MAI HƯƠNG (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nga-co-thuc-su-xuat-khau-vu-khi-it-hon-phap-769546
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nga-co-thuc-su-xuat-khau-vu-khi-it-hon-phap-769546
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nga có thực sự xuất khẩu vũ khí ít hơn Pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO