"Các thành viên NATO can dự ngày càng nhiều và ngày càng trực tiếp vào cuộc xung đột (tại Ukraine). Sự ủng hộ của họ dành cho Kiev hiện đa dạng hơn nhiều so với vài tháng trước. Điều này phản ánh chính sách có chủ ý của Washington nhằm leo thang xung đột và chính sách này được châu Âu tuân thủ chặt chẽ. Họ đang đùa với lửa. Rủi ro đang tăng vọt", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với kênh Rossiya-24 hôm 8/12.
Quan chức Nga cho biết, phương Tây hiện không có bất kỳ giới hạn nào về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Phương Tây đang thúc đẩy việc mở rộng quy mô cung cấp vũ khí hạng nặng hơn, tầm xa hơn. Trong khi đó, họ cố gắng thể hiện rằng, vẫn có ranh giới và sự kiềm chế trong việc cung cấp vũ khí như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận thấy điều đó", ông Ryabkov nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Nga cho biết Moscow đang tiến hành công tác ngoại giao song phương về vấn đề này, chủ yếu với các quốc gia không thân thiện, "để cảnh báo họ về hậu quả của các động thái này". Ông Ryabkov khẳng định Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là tổ chức trung tâm để chống lại những hành vi như vậy của phương Tây.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev. Theo New York Times, ước tính các nước NATO đã chuyển giao vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 10 thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.
"Một trong những trọng tâm chính của NATO là hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng để tăng cường sản xuất. Nếu cuộc xung đột kéo dài, điều quan trọng là chúng ta phải bổ sung kho dự trữ vũ khí", ông Stoltenberg nói.
Một số nước phương Tây thừa nhận kho vũ khí của họ bắt đầu cạn kiệt. Giới chức Đức hồi tháng 9 nói rằng, khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine đã "tới hạn". Lithuania hối thúc đồng minh hỗ trợ Ukraine mọi thứ có thể bởi nước này không còn vũ khí để viện trợ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố, Washington tiếp tục viện trợ Kiev "lâu nhất có thể" ngay cả khi kho dự trữ quân sự của Mỹ đã hao hụt đáng kể.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay. Khi đó, Mỹ và đồng minh có thể gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.
Về điều này, giới chức Kiev khẳng định không có lãnh đạo quốc tế nào thúc ép Ukraine thỏa hiệp với Nga và Kiev cũng không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.