"Báo Bild của Đức đã đăng một bài báo theo chủ nghĩa phục thù, trong đó tự hào tuyên bố xe tăng Đức đã quay trở lại đất Nga. Đáp lại, chúng tôi sẽ làm mọi cách để đưa những xe tăng tối tân của Nga đến quảng trường ở Berlin", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 11/8 cảnh báo trên tài khoản X.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, binh sĩ Ukraine, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử, xe bọc thép do phương Tây viện trợ, đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga từ hôm 6/8.
Các đồng minh phương Tây luôn phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga do lo ngại xung đột leo thang. Chỉ đến gần đây, một số nước bắt đầu bật đèn xanh cho phép Kiev sử dụng những vũ khí nhất định để tập kích các mục tiêu quân sự ở biên giới Nga.
Bình luận về cuộc đột kích của Ukraine, Bộ Ngoại giao Đức cho biết: "Ukraine có quyền tự vệ được quy định trong luật pháp quốc tế. Điều này không giới hạn ở lãnh thổ của họ".
Mỹ cũng khẳng định, cuộc đột kích của Kiev không vi phạm chính sách của Washington.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Đức đã cung cấp cho Ukraine một số xe tăng Leopard để phòng thủ. Các đồng minh khác của NATO cũng đồng ý gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine để hỗ trợ quân sự.
Nga nhiều lần cảnh báo Đức đi quá giới hạn khi dần nới lỏng các hạn chế liên quan đến viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng nếu Nga chiến thắng ở Ukraine, Đức hoặc một quốc gia NATO nào khác có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Moscow.
Trả lời phỏng vấn báo Die Welt, Đại úy Michael Giss, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bang Hamburg của Lực lượng Vũ trang Đức, nhận định Đức nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn trong vòng 5 năm tới.
"So với các nước như Ba Lan hay quốc gia vùng Baltic, Đức vẫn xa mối đe dọa từ bên ngoài hơn. Nhưng theo tôi, trong 5 năm tới, chúng ta cần phải sẵn sàng để đối phó với mối đe dọa quân sự lớn từ bên ngoài. Cả nước Đức phải sẵn sàng cho một cuộc chiến", ông nói.
Đức là một thành viên NATO, điều đó có nghĩa là nếu bị tấn công hoặc bị xâm lược, các đồng minh của Đức có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự theo nguyên tắc phòng thủ tập thể được nêu trong Điều 5 của hiệp ước NATO.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Đức đã tăng ngân sách quân sự và tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng, một mặt để hỗ trợ Kiev, một mặt để đảm bảo an ninh quốc phòng.