New Zealand lập 2 nhà xác tạm thời giữa tình trạng khẩn cấp quốc gia

17/02/2023 20:15

Giới chức New Zealand đã thành lập 2 nhà xác tạm thời, khi số người chết vì bão Gabrielle - cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất cho nước này trong nhiều thập kỷ - gia tăng.

Lính cứu hỏa Craig Stevens đã chết tại bệnh viện sau khi mắc kẹt trong trận lở đất gần Auckland hồi đầu tuần. Đây là người lính cứu hỏa tình nguyện thứ hai thiệt mạng, theo Guardian.

Cảnh sát xác nhận một thi thể cũng được tìm thấy gần Napier vào sáng 17/2. Giới chức New Zealand cảnh báo người dân số người chết có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

"Chúng ta cần phải chuẩn bị cho khả năng số người thiệt mạng tăng trong thời gian tới", NZ Herald dẫn lời Thủ tướng Chris Hipkins

Tuyên bố của thủ tướng New Zealand được đưa ra trong bối cảnh lực lượng cảnh sát tại New Zealand xác định khoảng 3.500 người thuộc diện "không liên lạc được". Phần lớn những người này sống tại khu vực vịnh Hawke và vùng Gisborne.

Dù vậy, theo các nhà chức trách, một số báo cáo có khả năng bị trùng.

Chính phủ New Zealand ngày 14/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi bão Gabrielle tàn phá cơ sở hạ tầng và gây ra thiệt hại tại nhiều khu vực của nước này

Người phát ngôn của cảnh sát nói với hãng tin Stuff rằng các nhà xác tạm thời đã được thiết lập ở Napier và Hastings theo “quy trình tiêu chuẩn”.

“Các cơ sở được thiết lập như biện pháp phòng ngừa để đảm bảo bất cứ trường hợp tử vong nào cũng được báo cáo, quản lý một cách cẩn thận và tôn trọng, đồng thời tuân theo quy trình điều tra nguyên nhân tử vong. Thi thể sẽ ở đó trước khi được đưa đến nhà xác”, cảnh sát cho biết.

bao o New Zealand anh 1
Một tuyến đường bị phá hủy sau bão Gabrielle. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ New Zealand.

Nỗ lực cứu trợ sau thảm họa

Ông Hipkins đã đi thăm khu vực Hawke vào hôm 17/2, nói rằng “cả đất nước” cảm thông, chia sẻ cùng với những cộng đồng bị ảnh hưởng.

“Có một số người đang ở trong tình trạng rất, rất khó khăn”, ông chia sẻ. “Tôi chỉ yêu cầu mọi người tiếp tục tiến về phía trước. Bạn biết đấy, chúng ta sẽ vượt qua chuyện này… Nhưng lúc này là một tình huống đặc biệt khó khăn”.

Cơn bão lớn đã chia cắt toàn bộ một số thị trấn ở New Zealand, cuốn trôi các trang trại, cây cầu và gia súc. Nhiều ngôi nhà chìm trong nước lũ, khiến nhiều người mắc kẹt trên mái nhà.

10.000 người đã phải di dời trong cơn bão mà Thủ tướng Hipkins gọi là thảm họa có mức độ tương đương với trận động đất ở thành phố Christchurch vào năm 2011.

Ông Hipkins đã đến Napier vào sáng 17/2.

bao o New Zealand anh 2
Một người đàn ông giữa trận lụt do bão Gabrielle gây ra ở Puketapu, Vịnh Hawke, New Zealand. Ảnh: Lie Tu'imoala.

“Khi nhìn từ trên đồi xuống để thấy mức độ thiệt hại, bạn sẽ có cảm giác như đang thực sự đối mặt với thách thức mà những người dân phải trải qua ngay trước mắt”, ông nói.

Ông cho biết thêm các nhà chức trách sẽ thông báo về số người chết hoặc bị thương sau thảm họa ngay khi có thể, “nhưng tôi đã nghe thấy một số tuyên bố kỳ lạ vào lúc này mà không có bằng chứng nào chứng minh”.

“Việc suy đoán có bao nhiêu người bị thương hoặc chết trong thảm kịch này không tốt chút nào", ông nói.

Việc liên lạc và tiếp cận một số khu vực vẫn còn khó khăn, trong khi các máy bay do thám đang được triển khai để khảo sát thiệt hại và xác định những người có thể bị cô lập.

Các đoàn xe tải chở mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nước, thuốc men và nhiên liệu đang tiến vào những vùng xa xôi hẻo lánh. Lực lượng phòng vệ cũng đang sử dụng tàu thuyền để vận chuyển mặt hàng cần thiết vào khu vực ở bờ biển phía đông.

Vụ việc thương tâm

Trong số những người được xác nhận đã chết hồi đầu tuần này có một bé gái 2 tuổi tên Ivy, bị nước cuốn trôi và chết đuối.

Mẹ của cô bé, Ella Louise Collins, kể lại: “Nước cách trần nhà chúng tôi khoảng 10 cm, nó dâng lên rất nhanh và dữ dội”.

Gia đình 4 người đã cố gắng trốn thoát đến nơi an toàn trên mái nhà của một người hàng xóm, nhưng bị chặn lại bởi "một dòng nước bất ngờ gần như nhấn chìm tất cả chúng tôi". Dòng nước này đã cuốn theo Ivy đi.

Collins cho biết "con bé qua đời rất nhanh".

Vào hôm 16/2, Thủ tướng Hipkins cảnh báo cảnh sát đang xếp một số người vào danh sách “quan ngại nghiêm trọng”.

Nhưng ông nói thêm: "Chúng tôi tin rằng phần lớn những người được cảnh sát xếp vào diện không liên lạc được đơn giản là chưa có khả năng liên lạc với người thân. Chính vì vậy, cảnh sát đang ưu tiên những đối tượng sống tại các khu vực bị cô lập".

bao o New Zealand anh 3
Một máy bay trực thăng NH90 di chuyển từ Căn cứ Auckland đến Northland để tham gia khắc phục hậu quả bão Gabrielle. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ New Zealand.

Trưởng nhóm tìm kiếm và cứu nạn đô thị Ken Cooper cho biết một người đàn ông đã đi bộ 70 km từ Putorino đến Napier để hỗ trợ lực lượng cứu hộ.

“Chuyến đi bộ mất một ngày rưỡi”, ông nói với Radio NZ. “Anh ấy đi bộ tới để đưa cho chúng tôi danh sách những người vẫn bị mắc kẹt ở bờ biển phía đông”.

Tại Vịnh Hawke, máy bay trực thăng và thuyền đang được sử dụng để kiểm tra tình trạng của người dân trong các cộng đồng bị cô lập, trong khi đội tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục hoạt động.

Do tác động lớn của bão Gabrielle, chính phủ New Zealand vào sáng 16/2 đã gửi yêu cầu cứu trợ đến Australia.

"Tôi có thể xác nhận rằng Cục Quản lý Khẩn cấp Quốc gia đã chấp thuận việc hợp tác giữa 2 quốc gia trong công tác ứng phó thảm họa và chia sẻ chuyên môn", ông Hipkins tuyên bố.

Giây phút trực thăng mạo hiểm cứu người giữa nước lũ New Zealand Một phi công trực thăng đã mạo hiểm giữ máy bay thăng bằng trên một càng để giải cứu hai người bị mắc kẹt trên sân thượng sau hậu quả của cơn bão Gabrielle.


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    New Zealand lập 2 nhà xác tạm thời giữa tình trạng khẩn cấp quốc gia
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO