Đếm ngược ngày về lại J.League 2
Câu lạc bộ Yokohama mà Công Phượng đang khoác áo tại J.League 1 của Nhật Bản đang có nguy cơ xuống chơi tại J.League 2. Bởi trong bối cảnh mùa giải chỉ còn một vòng đấu, Yokohama FC đang xếp cuối bảng với 29 điểm, kém nhóm an toàn 3 điểm và đồng thời kém xa về hiệu số bàn thắng bại (-26 vs -14).
Có thể khẳng định đội bóng của Công Phượng 99% sẽ xuống hạng. Bởi ngay cả khi thắng rất đậm đội bóng mạnh là Kashima Antlers ở vòng đấu cuối, họ chưa chắc thoát khỏi cảnh xuống hạng mà phải chờ vào kết quả của cặp đấu khác.
Không chỉ riêng Yokohama FC đang đếm ngược ngày để về với J.League 2, mà chính bản thân Công Phượng cũng sẽ có lần thứ 2 chơi tại giải hạng 2 của Nhật Bản nếu ở lại. Trước đó, Phượng từng khoác áo đội bóng hạng 2 là Mito Hollyhock vào cuối năm 2015 trước khi tiếp tục hành trình xuất ngoại của mình. Và giờ anh đang đứng trước khả năng tiếp tục chơi bóng tại J.League 2.
Con số thống kê đáng buồn với Công Phượng ở lần xuất ngoại này đó là anh không được ra sân phút nào ở J.League 1 dù mục tiêu tiền đạo này đề ra là ra sân 25 trận. Phượng chỉ có vỏn vẹn 2 phút ra sân tại Cúp Liên đoàn Nhật Bản trước khi cùng đội bóng này xuôi về J.League 2.
Về Việt Nam chơi bóng tại V.League?
Tương lại mịt mờ ở Yokohama FC nói riêng và J.League nói chung là vậy, còn ở đội tuyển Việt Nam thì Công Phượng cũng không khá hơn là mấy khi anh cũng không nằm trong kế hoạch của huấn luyện viên Philippe Troussier.
Bất chấp việc ghi bàn ở trận giao hữu FIFA Days tháng 9 trước đối thủ Palestine, Phượng vẫn không có tên trong danh sách tuyển Việt Nam ở 2 trận đấu vừa qua tại Vòng loại World Cup 2026. Đáng nói, trong bối cảnh các chân sút hiện tại trên hàng công vẫn không đạt phong độ tốt nhất thì Công Phượng vẫn không được ông Troussier gọi tên.
Vấn đề được đặt ra ở đây là Công Phượng có nên quay trở lại V.League để tìm lại phong độ của mình, nhằm lấy lại suất ở tuyển Việt Nam khi mà đội tuyển sẽ có một kế hoạch bận rộn trong thời gian tới.
Trên thực tế, Công Phượng cũng là cái tên mà rất nhiều đội bóng V.League nhắm đến, cả yếu tố chuyên môn lẫn tầm ảnh hưởng về mặt truyền thông của tiền đạo này. Quan trọng là “con số” mà chân sút người Nghệ An mong muốn có thỏa đáng và phù hợp với “hầu bao” của đội bóng đó. Tất nhiên, sau cả mùa giải dự bị ở Nhật Bản, hẳn giá trị chuyển nhượng của Công Phượng cũng đã giảm đi rất nhiều.
Công Phượng đang ở độ chín của sự nghiệp, nên tiền đạo này cần một mội trường bóng đá được ra sân thi đấu nhiều hơn là “làm bạn” với ghế dự bị. J.League 2 thời điểm này được xem là phù hợp với Phượng, nhưng quan trọng là anh có được tin dùng tại Nhật Bản hay không. Còn với V.League, chắc chắn Phượng vẫn là một “ngôi sao” và có thể là nơi để chân sút này cứu vãn sự nghiệp của mình.