Nếu xem COVID-19 là bệnh thông thường, người bệnh có phải trả hết phí điều trị?

Thiều Trang| 06/03/2022 19:52

Trước ý kiến cho rằng, thời điểm này cần xem COVID-19 là bệnh đặc hữu và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về việc tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ thanh toán tiền khám, chữa bệnh COVID-19 hay phải tự chi trả?

Chi phí khám chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác

Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 5.3, Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu"  khi thời điểm thích hợp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường".

Trao đổi với Lao Động, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tương tự các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên để xã hội bớt căng thẳng. Theo đó, các loại thủ tục làm giấy chứng nhận F0 hoặc chứng nhận khỏi bệnh hoàn toàn có thể bỏ qua, bãi bỏ cách ly F1, đặc biệt chi phí khám chữa bệnh COVID-19 sẽ ứng xử như các bệnh lý khác.

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội, trong trường hợp COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị. Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho biết, hiện COVID-19 là đại dịch toàn cầu thì ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19. Nếu xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thì trách nhiệm chi trả là do bảo hiểm y tế hoặc người bệnh phải chi trả.

Người dân băn khoăn

Bày tỏ sự đồng tình với việc đề xuất xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, hướng tới điều trị COVID như điều trị bệnh nhân thông thường, nhưng anh Lê Anh Tú (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn về chi phí điều trị nếu chẳng may phải nhập viện do chuyển nặng hoặc gặp các vấn đề về hậu COVID.

"Nếu coi COVID-19 là bệnh thông thường thì chi phí điều trị sẽ do người bệnh chi trả. Trong tình huống này có người chi trả được nhưng sẽ có một bộ phận gặp khó khăn về kinh tế không thể gánh vác phí điều trị.

Hơn nữa, nhiều người bị lây nhiễm dịch bệnh ngoài mong muốn, vậy ai sẽ là người chi trả phí điều trị nếu họ chuyển nặng và phải nhập viện?" - anh Tú băn khoăn.

Chị Hồ Thu Anh (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho biết, theo Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, hiện nay việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, tức người dân không phải trả tiền.

Nếu coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường thì đồng nghĩa với việc cơ sở y tế sẽ được chẩn đoán, điều trị, người dân phải tự trả tiền.

"Hiện tại, đời sống người dân còn khó khăn, kinh tế eo hẹp do thất nghiệp dài ngày. Nếu chẳng may nhiễm COVID-19 phải nhập viện thì không đủ sức để chi trả viện phí, chưa kể thuốc thang, khác gì khó khăn trăm đường.

Vì vậy, nếu Nhà nước xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường thì tôi mong có cơ chế riêng về hỗ trợ viện phí, giúp đỡ người dân trong giai đoạn khó khăn" - chị Thu Anh chia sẻ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nếu xem COVID-19 là bệnh thông thường, người bệnh có phải trả hết phí điều trị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO