Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là 'ung nhọt' của Hà Nội

02/08/2023 07:33

PGS Nguyễn Khắc Kính cho rằng nếu không được cải tạo, sông Tô Lịch vĩnh viễn là một cái "ung nhọt" của Hà Nội. Công việc này là rất phức tạp và tốn kém nên cần phải làm theo từng bước.

Kể từ năm 1990, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm của các tổ chức quốc tế và trong nước. Hà Nội kỳ vọng con sông này thoát khỏi số phận "sông chết".

Gần đây nhất vào tháng 6, UBND TP Hà Nội giao Sở TNMT phối hợp cùng sở ngành và một số chuyên gia nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô, nhất là sông Tô Lịch.

Nhưng cho đến khi kế hoạch trên được thực hiện, hàng trăm công nhân vẫn đang hàng ngày vớt rác bằng cách thủ công...

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 1

Từ thời điểm còn đương nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục Môi trường Quốc gia trước năm 1993, rồi Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến khi nghỉ hưu năm 2008, ông Nguyễn Khắc Kính đã tham gia vào việc góp ý cho nhiều ý tưởng, giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.

Không nhớ con sông này ô nhiễm từ bao giờ, nhưng vị chuyên gia cho rằng Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề đặt ra. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Kính làm rõ thêm về đặc điểm, chức năng và giá trị của sông Tô Lịch đối với Thủ đô Hà Nội.

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 3

- Ông còn nhớ sông Tô Lịch bắt đầu ô nhiễm từ khi nào không?

- Tôi không nhớ chính xác nhưng kể từ khi tôi được cử đi học đại học ở nước ngoài về nước và làm việc tại Hà Nội từ năm 1973, sông Tô Lịch đã ô nhiễm rồi. Hồi đó, quốc tế đã có chương trình giúp cải tạo con sông này.

Bản thân tôi cũng đã tham gia lao động công ích để nạo vét bùn, gia cố đê rồi làm taluy nhằm cải tạo sông theo kế hoạch của Hà Nội lúc bấy giờ.

Trong trí nhớ của tôi, kể từ hồi ấy, con sông đã ô nhiễm. Sau đó, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một mặt vì con sông đã bị bê tông hóa. Mặt khác, ngày càng có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải trực tiếp ra sông.

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 5

Sau này, khi làm việc ở Cục Môi trường Quốc gia, tôi đã phải "phanh" khá nhiều dự án sản xuất công nghiệp có lượng nước thải lớn muốn thải thẳng vào sông Tô Lịch với lý do sông này đã quá bị ô nhiễm, không còn khả năng tự làm sạch và từ đó không còn khả năng tiếp nhận thêm nước thải nữa.

Nhiều chủ dự án phản bác lại rằng nước thải của họ sạch hơn nước sông Tô Lịch thì cớ gì lại không cho xả thải vào sông này ? Tôi thuyết phục rằng, trong tương lai Hà Nội nhất định sẽ phải cải tạo, làm sạch sông Tô Lịch để biến nó thành con sông tự nhiên theo đúng nghĩa ban đầu của nó và để nó phục vụ cho các mục đích dân sinh, hoạt động kinh tế - xã hội và nhiều mục đích khác của Thủ đô.

Tôi cũng đặt câu hỏi nếu bây giờ ai cũng cứ vô tư thải nước thải ra sông Tô Lịch thì chẳng biết đến bao giờ Hà Nội mới làm được việc này?

Mặc dù tôi đã không đồng ý phê duyệt thủ tục môi trường (đánh giá tác động môi trường - ĐTM) cho những dự án đó, nhưng như vậy cũng không ăn thua gì. Bởi vì khi đó còn có rất nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn đang hoạt động do lịch sử để lại và có nước thải không được xử lý trước khi thải vào sông Tô Lịch.

Mặt khác, có rất nhiều các dự án nhỏ mới khác, nhất là các dự án quy mô hộ gia đình lúc bấy giờ không phải làm thủ tục ĐTM.

- Vậy kể từ khi ông còn đương nhiệm công tác đến bây giờ, Hà Nội và đơn vị liên quan đã thực hiện các giải pháp nào để cải tạo sông Tô Lịch?

- Đầu tiên và đáng nhớ nhất là Nhật Bản đã giúp Hà Nội xây dựng một quy hoạch tổng thể về cải thiện môi trường cho Hà Nội, trong đó có đề cập đến các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch. Nhưng sau đó, thành phố không triển khai thực hiện quy hoạch này được vì quá phức tạp về mặt thi công và quá tốn kém về tiền của.

Sau đó, Hà Nội cũng đã tính phương án thau rửa nước sông Tô Lịch bằng cách bơm nước từ sông Hồng nhưng qua bàn thảo thấy không khả thi, vì mỗi lần bơm như vậy cũng chỉ có tác dụng trong một vài ngày thôi rồi "đâu lại hoàn đấy".

Bởi lẽ, hàng ngày vẫn có hàng trăm điểm có cống xả nước thải vào sông này. Nếu làm vậy, thì chẳng nhẽ cứ một vài ngày lại phải thau rửa một lần ? Tiền đâu ra?

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 7

Thành phố cũng đã tính đến phương án tách nước mưa và nước thải, thu gom và xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi được biết, phương án này có ít nhất hai vấn đề không ổn.

Thứ nhất, hiện chỉ tách được nước mưa ở khu vực nằm sát với bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là nơi có các đường giao thông; chưa tách được nước mưa ở các khu vực khác xa hơn, đặc biệt ở khu vực hiện có dân cư sinh sống. Nghĩa là hiện tại ở những khu vực này, nước mưa và nước thải vẫn được thu gom chung, cùng được đổ thẳng vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của Hà Nội.

Hệ lụy là mỗi khi có mưa, Hà Nội phải tiếp nhận và xử lý một lượng nước thải quá lớn không cần thiết, gây tốn kém. Nước thải khi này cũng sẽ bị pha loãng và có thể không phù hợp với công nghệ xử lý đã được xác định ban đầu theo cách thông thường.

Thứ hai, tôi được nghe rằng sau khi nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật hiện hành sẽ được đổ trở lại sông Tô Lịch mà người ta gọi việc đó với cái mỹ từ là "bổ cập nước cho sông Tô Lịch".

Như vậy thì không ổn. Bởi lẽ, mặc dù nước sông có thể được làm sạch hơn hiện tại ít nhiều, nhưng sông Tô Lịch vĩnh viễn vẫn chỉ là kênh mương chứa nước thải đã được xử lý chứ chưa thể là sông.

Tóm lại, Hà Nội đã thử nghiệm rất nhiều cách để cải tạo cho con sông này. Nhưng đến nay, chưa có phương án nào khả thi hay hiệu quả như mong đợi.

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 9

- Nếu không kể đến việc sông Tô Lịch bị ô nhiễm, ông đánh giá thế nào về vai trò của con sông này đối với Hà Nội?

- Tôi cho rằng sông Tô Lịch là một trong các loại đất ngập nước theo định nghĩa và phân loại của Công ước Ramsar. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 từ năm 1989 và là thành viên đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia Công ước này.

Bất kỳ loại đất ngập nước nào cũng có hai chức năng và giá trị rất quan trọng. Một là giá trị về kinh tế và hai là chức năng về dịch vụ môi trường. Trong đại đa số các trường hợp, giá trị về kinh tế thường nhỏ hơn rất nhiều so với chức năng về dịch vụ môi trường.

Ví dụ, loại đất ngập nước như sông Tô Lịch có thể mang lại giá trị về kinh tế như: Nuôi trồng thủy sản nếu là sông tự nhiên, giao thông vận tải, du lịch cảnh quan...

Còn lại, chức năng về dịch vụ môi trường có thể kể đến như: Bổ cập và duy trì cho hệ thống nước dưới đất và nước ngầm; điều tiết lũ lụt khi mưa đến; duy trì và cải thiện vi khí hậu; xử lý các chất thải vô tình hoặc hữu ý được thải vào sông... Hà Nội ngày xưa có rất nhiều sông, hồ nên khi mưa đến không bị ngập nhiều và nghiêm trọng như bây giờ.

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 11

Ngoài ra, tôi muốn khẳng định thêm, bất kể sông tự nhiên nào cũng đều có khả năng tự làm sạch đối với các chất thải bằng 3 cơ chế: sinh học thông qua chuỗi thức ăn tự nhiên giữa các loài sinh vật sinh sống ở sông; vật lý thông qua các yếu tố về dòng chảy và nhiệt độ; hóa học thông qua sự tương tác, phản ứng giữa các chất sẵn có trong sông và trong nước thải.

Vì thế, đã từ lâu, mỗi con sông tự nhiên đã được nhiều nước trên thế giới coi như một nhà máy xử lý chất thải âm thầm tự nhiên và không mất tiền. Nhưng điều kiện là các chất thải được đưa vào sông, hồ đó phù hợp và trong giới hạn khả năng tự làm sạch của nó.

Một khi một con sông đã quá sức chịu tải - tức là không còn khả năng tự làm sạch nữa - tất nhiên ô nhiễm môi trường nước sẽ xảy ra. Nhiều khi sự ô nhiễm đó là rất trầm trọng và bất đảo ngược.

Lúc này, chúng ta không thể phục hồi được các chức năng và giá trị vốn có của nó như đã nêu. Chưa kể có thể gây ra các hệ lụy khác như làm ô nhiễm hệ thống nước dưới đất và nước ngầm có liên quan.

Bạn tưởng tượng một con người chỉ có khả năng gánh được 70kg là vừa sức, nhưng cứ bắt người đó gánh thêm mà bị gãy lưng thì không thể phục hồi được như cũ. Ngoài ra, người này còn có thể là gánh nặng cho người thân phải chăm sóc trong quãng đời còn lại.

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 13

- Như vậy ông cho rằng cải tạo sông Tô Lịch là việc mà Hà Nội bắt buộc phải làm?

- Đúng vậy, tôi cho rằng Hà Nội bắt buộc phải cải tạo bằng được con sông này vì nếu không, sông Tô Lịch sẽ vĩnh viễn là một cái "ung nhọt" của thành phố. Công việc này rất phức tạp và tốn kém nên cần phải làm theo từng bước. Thành phố cần có sự nhìn nhận, kết nối giữa cái trước mắt và cái lâu dài để giải quyết một cách căn cơ.

- Vậy theo ông, giải pháp căn cơ cho việc cải tạo sông Tô Lịch là gì?

- Tôi cho rằng giải pháp căn cơ và duy nhất để làm sống lại sông Tô Lịch là Hà Nội phải tách được nước mưa chảy tràn và nước thải đổ vào sông. Việc này nhằm cho nước mưa chảy thẳng vào sông để bổ cập nước cho nó; còn nước thải sẽ được chảy vào hệ thống thu gom và xử lý tập trung.

Đồng thời, nước thải sau xử lý không được đổ trở lại sông Tô Lịch mà phải đổ vào nơi khác thích hợp. Để làm được việc này, cần xây dựng tuyến đường ống chung để dẫn nước thải sau xử lý đến một thủy vực khác thích hợp. Khi sông thiếu nước, có thể bơm bổ cập nước từ sông Hồng.

Song song với các việc này, thành phố tuyệt đối không cho các dự án mới có nước thải (kể cả đã được xử lý) được thải trực tiếp vào sông Tô Lịch.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là ung nhọt của Hà Nội - 15

Ảnh: Nguyễn Hải

Nội dung: Nguyễn Hải, Hà Mỹ

Thiết kế: Tuấn Huy

Bài liên quan
  • Vì sao Tô Lịch trở thành 'dòng sông chết'?
    Từng mang vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương đường thủy của Hà Nội, sông Tô Lịch ngày nay lại chỉ được nhớ đến như một "dòng sông chết", tôm cá không sống nổi và quanh năm bốc mùi hôi thối.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nếu không được cải tạo, Tô Lịch vĩnh viễn là 'ung nhọt' của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO