Thông báo được đưa ra sau một cuộc họp nội các. Bộ trưởng Ngoại giao Narayan Prakash Saud cho biết ứng dụng TikTok sẽ bị cấm vô thời hạn.
“Chính phủ quyết định cấm TikTok vì cần thiết phải điều chỉnh việc sử dụng nền tảng mạng xã hội đang phá vỡ sự hòa hợp xã hội, thiện chí và dòng chảy các tài liệu không đứng đắn”, ông Saud phát biểu.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 14/11, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Rekha Sharma cũng đưa ra lý do tương tự.
Ông Purushottam Khanal, người đứng đầu cơ quan viễn thông, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet cắt quyền truy cập vào ứng dụng.
WorldLink Communications – nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất nước – đã tuân thủ và các nhà cung cấp khác dự kiến sớm làm theo.
Bộ trưởng tiết lộ thêm, để buộc các nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm, Nepal đã yêu cầu các công ty đăng ký và mở văn phòng liên lạc tại Nepal, nộp thuế và tuân thủ luật pháp, quy định của đất nước.
Không rõ điều gì dẫn đến lệnh cấm hoặc TikTok có từ chối tuân thủ yêu cầu hay không.
TikTok, công ty con của ByteDance (Trung Quốc), đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng trên khắp thế giới.
Các quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand, Australia, Canada đã cấm ứng dụng này trên điện thoại công dù TikTok liên tục phủ nhận chia sẻ dữ liệu với Trung Quốc và sẽ không làm như vậy.
Hãng Reuters đưa tin, hơn 1.600 trường hợp tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã được ghi nhận trong bốn năm qua tại Nepal, dẫn đến nhu cầu kiểm soát ứng dụng ngày một tăng.
Ba năm trước, Ấn Độ cấm TikTok cùng một số ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng khác vì “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thời điểm đó, nền tảng này có khoảng 120 triệu người dùng tại Ấn Độ.
(Theo AP, CNN)
Tập yoga quay Tiktok ‘câu view’, cả thầy và trò phải vào việnTập các động tác yoga khó để quay clip đăng lên Tiktok, một huấn luyện viên cùng học trò phải vào bệnh viện điều trị, phục hồi chức năng.