Theo Defensenews, với việc Thụy Điển và Phần Lan sẵn sàng gia nhập NATO, các nước Bắc Âu đã có cơ sở vững chắc hơn để thảo luận một kế hoạch hành động chung nhằm tạo ra một “NATO nhỏ” với năng lực phòng không thống nhất. Tuyên bố không liên kết của Thụy Điển và Phần Lan là một trở ngại đối với việc thúc đẩy những cuộc đàm phán và các sáng kiến chung về việc thành lập lực lượng phòng không chung.
Tư lệnh Không quân của 4 nước trên đã ký một ý định thư vào tuần trước tại Căn cứ không quân Ramstein ở Đức, theo đó, 4 quốc gia Bắc Âu này sẽ tăng cường hợp tác không quân, thúc đẩy các sáng kiến chung để phát triển một lực lượng phòng không mạnh mẽ ở khu vực.
Máy bay F-18 Hornet của Phần Lan tại sân bay Rovaniemi trong cuộc tập trận chung giữa lực lượng không quân Phần Lan và Thụy Điển ngày 25-3-2019. Ảnh: Getty Images |
Theo ý định thư, lực lượng không quân Bắc Âu hướng tới hợp tác nâng cao cho phép họ phối hợp hoạt động trong mọi tình huống. Lực lượng không quân của 4 nước sẽ được tái tổ chức để liên kết chặt chẽ với nhau hơn, đồng thời có thể hợp nhất trong các hoạt động giám sát không phận. Các nước cũng sẽ điều chỉnh việc giám sát trên không để có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu radar của nhau. 4 quốc gia có thể vận hành chung hệ thống này dựa trên các phương thức và hướng dẫn hiện hành của NATO.
Kế hoạch đề xuất phát triển một cấu trúc quản lý tích hợp để lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động phòng không. Cùng với đó là sự phát triển của một hệ thống hỗ trợ linh hoạt và bền vững, nhận biết tình hình chung trên không, cũng như các hoạt động huấn luyện và tập trận chung giữa 4 lực lượng không quân Bắc Âu.
Thiếu tướng Jan Dam, Tư lệnh Không quân Đan Mạch đã xác nhận kế hoạch liên kết không quân của các nước Bắc Âu. Theo Thiếu tướng Jan Dam, thông qua việc thiết lập hệ thống phòng không chung, 4 nước Bắc Âu sẽ có tổng cộng hơn 400 máy bay chiến đấu. Trong đó, Na Uy có 57 máy bay chiến đấu F-16 và 52 chiếc F-35; Phần Lan có 62 máy bay phản lực F/A-18 Hornet và 64 chiếc F-35; Đan Mạch có 58 chiếc F-16, 27 chiếc F-35; trong khi Thụy Điển có 90 máy bay phản lực Gripen. Tuy nhiên, hiện chưa rõ trong số này có bao nhiêu chiếc đang được đặt mua và bao nhiêu chiếc còn có thể vận hành.
Với kế hoạch này, đây là hình thức hợp tác quốc phòng đầu tiên giữa các quốc gia Bắc Âu. Trên thực tế, khái niệm về một lực lượng không quân Bắc Âu chung đã trở thành chủ đề thảo luận định kỳ giữa các chính phủ Bắc Âu kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
Thiếu tướng Rolf Folland, Tư lệnh Lực lượng Không quân Na Uy (NAF), coi ý tưởng này là cơ sở để thành lập một trung tâm Bắc Âu chung cho các hoạt động không quân, nơi cũng có thể đặt Mỹ và Canada dưới một cơ cấu chỉ huy duy nhất. “Có sự quan tâm rõ ràng đến một sáng kiến khu vực về một bộ chỉ huy không quân chung ở sườn phía Bắc của NATO. Chúng tôi biết rõ các điều kiện ở vùng High North và chúng tôi có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau” theo Thiếu tướng Rolf Folland.
Sáng kiến về hệ thống phòng không chung Bắc Âu được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng an ninh kéo dài liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, ảnh hưởng đến các khu vực lân cận vùng High North ngoài khơi Na Uy và Biển Baltic.
Trước đó, hồi tháng 2, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đã gặp nhau tại thành phố Harpsund, nơi nghỉ dưỡng của Thủ tướng Thụy Điển để thảo luận về những thách thức an ninh chung, thúc đẩy hợp tác về các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng.
Tuyên bố của Chính phủ Thụy Điển đánh giá tình hình an ninh đã xấu đi do cuộc xung đột Nga-Ukraine; khẳng định Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển, cùng với các nước láng giềng Bắc Âu khác có trách nhiệm chung trong tiến trình đối phó với những thách thức an ninh trong khu vực, bao gồm cả các khu vực phía Bắc...”.
Tuyên bố cũng lưu ý Stockholm, Helsinki và Oslo sẽ tiếp tục đi sâu hợp tác triển khai các cuộc tập trận quy mô lớn trong những năm tới. Hợp tác quốc phòng 3 bên được phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng Bắc Âu và những đối tác thân thiết, trong đó có Mỹ và Anh.
Vì thế, kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng không Bắc Âu khi được triển khai sẽ cho phép các nước láng giềng khu vực tận dụng sức mạnh và lợi thế của nhau, triển khai thực hiện các kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ không chỉ ở Bắc Âu mà còn được hy vọng sẽ thúc đẩy tiến trình thiết lập hệ thống phòng thủ chung châu Âu vốn không dễ dàng ở lục địa đầy chia rẽ.
XUÂN PHONG