NATO có kế hoạch mới cho Ukraine?

20/11/2021 13:45

Theo RIA, các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trang bị cho Kiev những vũ khí hiện đại.

Quân đội tinh nhuệ

The Mirror đưa tin, chính phủ Anh ban đầu nghi ngờ, nhưng quân đội vẫn tin vào thực tế là có “sự ảnh hưởng” từ Điện Kremlin với Ukraine. Theo kế hoạch của London, khoảng 600 binh sĩ Anh, gồm những thành viên lực lượng đặc nhiệm SAS tinh nhuệ, được cho là đang sẵn sàng để triển khai đến Ukraine giữa căng thẳng với Nga.

“Xương sống” của nhóm đặc nhiệm là các máy bay chiến đấu của lữ đoàn đổ bộ đường không số 16 và lực lượng đặc nhiệm SAS. Được biết đến từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, lực lượng này có hàng chục hoạt động thành công trên khắp thế giới.

NATO có kế hoạch mới cho Ukraine?
Quân đội NATO đang đồn trú ở nhiều địa điểm trên lãnh thổ Ukraine. (Ảnh: RIA)

Theo các nguồn tin, mệnh lệnh đến Ukraine sẽ chỉ được đưa ra “trong trường hợp có cuộc xâm lược từ Moscow”. Tuy nhiên, bản thân những binh sĩ này cũng đã sẵn sàng chiến đấu.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, Tướng Nick Carter, cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và phương Tây đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

“Chúng ta đang ở trong một thế giới cạnh tranh hơn nhiều so với cách đây 10 hay 15 năm. Bản chất của sự cạnh tranh giữa các nước, các cường quốc dẫn đến căng thẳng nhiều hơn và căng thẳng đó là điều cần phải dè chừng”, ông Carter trả lời phỏng vấn Times Radio.

Phát triển quân sự

Kiev và chính phủ các nước phương Tây đang lên án về hành động của Nga thời gian gần đây. Tuy nhiên, không có gì bí mật khi với lý do bảo vệ một đồng minh, NATO đã củng cố vững chắc vị trí của mình ở Ukraine và tiếp tục trang bị vũ khí cho Lực lượng vũ trang nước này.

Đặc biệt, gần đây 80 tấn đạn dược dùng cho nhiều mục đích khác nhau đã được chuyển tới Kiev. Và trước đó vào đầu tháng 11, Mỹ đã gửi 2 tàu tuần tra lớp Island tới Ukraine cho nhu cầu của Hải quân nước này.

Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine nói rõ rằng, những chiếc tàu này là một phần hỗ trợ an ninh mà Washington đã cung cấp cho Kiev kể từ năm 2014. Tổng giá trị viện trợ là hơn 2,5 tỉ USD.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace 2 ngày trước hứa sẽ tiếp tục phát triển khả năng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Đồng thời, một số cơ sở quân sự của NATO đã hoạt động ở Ukraine. Đặc biệt, kể từ năm 2015, tại thao trường Yavoriv ở vùng Lviv, các giảng viên của Lầu Năm Góc đã tiến hành huấn luyện các binh sĩ thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine.

Theo một con số thống kê, đã có khoảng 10.000 quân nhân Ukraine được huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO tại Yavoriv. Xét về hình thức, thao trường Yavoriv vẫn thuộc về Ukraine, nhưng trên thực tế, nơi này từ lâu đã thuộc về căn cứ tiền tiêu của NATO và Mỹ đóng vai trò là người đứng đầu.

Mặt khác, người Anh chọn cảng Yuzhny, cách Odessa 30 km. Quân đội Anh đã chọn nơi đây để xây dựng căn cứ Hải quân. Đội thợ lặn của Hải quân Anh đã khảo sát vùng nước của cảng và các công trình khác tại đây.

Dự tính quân đội Anh sẽ xây dựng hai căn cứ hải quân ở Ukraine, căn cứ thứ nhất ở Azov, căn cứ thứ 2 ở Biển Đen. Như vậy, tàu chiến của NATO có thể neo đậu tại các cảng của Ukraine, bất chấp công ước Montreux.

NATO có kế hoạch mới cho Ukraine?
Ukraine đang cho phép quân đội các nước NATO hiện diện trên lãnh thổ của mình. (Ảnh: RIA)

Theo quy định của công ước Montreux, tàu chiến của các nước không thuộc Biển Đen, khi đi qua kênh Bosphorus, chỉ được hiện diện ở đây không quá 21 ngày.

Lầu Năm Góc đã trấn an đồng minh: “Không vấn đề gì, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng kênh Sultan”. Tàu chiến của NATO có thể lách luật bằng cách: “không đi vào Biển Đen qua Bosphorus, mà qua Sultan để neo đậu thoải mái ở Odessa”.

“Đóng góp” của NATO

Tuy nhiên, những “đóng góp” của NATO rõ ràng là chưa đủ với Kiev. Vì vậy, Nghị sĩ quốc hội Ukraine Oleg Dunda thuộc đảng “Tôi tớ nhân dân”, mới đây đã tiết lộ nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng nước này là “lôi kéo Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn”. Trong khi, các quan chức hàng đầu của Ukraine cũng nói chuyện cởi mở về điều này.

Về phía Moscow, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, “luận điệu hiếu chiến của Kiev là một yêu cầu khác về việc gửi vũ khí cho nước này”.

Theo ấn phẩm Zn.ua, trước tình hình trầm trọng hơn ở phía đông nam Ukraine, một danh sách vũ khí mong muốn đã được gửi đến Lầu Năm Góc: tên lửa Harpoon (cho mục đích hải quân) và tên lửa SLAM (tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không điểm được mở rộng tầm bắn).

Trước đó, Ukraine đã yêu cầu các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, máy bay chiến đấu F-16 hoặc JAS 39 Gripen, cũng như các loại xe bọc thép.

Hồi tháng 6, Lầu Năm góc thông báo gói hỗ trợ quân sự 150 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các loại radar chống pháo, thiết bị tác chiến điện tử và công nghệ chống máy bay không người lái.

Đợt hỗ trợ mới nhất sẽ nằm ngoài khoản 125 triệu USD mà Lầu Năm góc thông báo hồi tháng 3, trong đó có các tàu tuần tra Mark VI.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, gói hỗ trợ nhằm “giúp các lực lượng của Ukraine bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và cải thiện khả năng tương tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương”.

Theo ông Kirby, Lầu Năm Góc đang tiếp tục khuyến khích Ukraine thực hiện cải cách để phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO nhằm xúc tiến các tham vọng gia nhập của nước này.

Sự hỗ trợ của Mỹ được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc chứng thực rằng Ukraine đã “đạt được tiến triển đáng kể trong cải tổ quốc phòng trong năm nay”, như yêu cầu của luật Mỹ.

Thanh Bình (lược dịch)

Bài liên quan
  • Đau đáu đóng góp cho quê nhà
    Ở Đài Loan (Trung Quốc) có một phụ nữ Việt Nam luôn hướng về quê hương, luôn dành trọn vẹn tâm huyết để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, phát triển của 2 cộng đồng
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
NATO có kế hoạch mới cho Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO