Nam bộ - miền đất sông Tiền sông Hậu và hàng ngàn con sông kinh rạch. Từ Sài Gòn về các tỉnh lỵ miền Tây biết bao nhiêu cây cầu hình như chưa ai thống kê đầy đủ, nhưng có thể nhớ tên những chiếc phà bến “bắc” lớn nhỏ bởi vì gần như một quy luật, trên đường miền Tây cứ qua một chiếc phà/bắc là vào thị tứ của một tỉnh khác.
Này nhé: từ Tiền Giang qua phà Rạch Miễu là Bến Tre, từ Bến Tre qua phà Hàm Luông là tỉnh Trà Vinh... Đi theo quốc lộ 1 thì qua chiếc “bắc” Mỹ Thuận nổi tiếng là đến Vĩnh Long, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ vào Tây Đô, đi ngả Sa Đéc qua phà Cao Lãnh đi Cao Lãnh, Hồng Ngự... Đi ngả Lấp Vò qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên, từ An Giang qua bắc An Hòa tới Kiên Giang...
Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc phà nhỏ nối những cù lao và đất liền, như phà Mỹ Hiệp qua một nhánh sông Tiền nối liền quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng - Chợ Mới - An Giang với làng Hòa An bên thị tứ Cao Lãnh là quê ngoại... Hay như ở TP.HCM vẫn còn phà lớn Bình Khánh qua sông Nhà Bè sang huyện Cần Giờ.
Sau 100 năm hoạt động, phà Vàm Cống nối đôi bờ sông Hậu đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" khi cầu Vàm Cống khánh thành
Những năm cuối thế kỷ 20 đường về miền Tây rất cực không chỉ vì độc đạo mà còn vì tắc nghẽn tại các bến phà. Chờ phà là nỗi ám ảnh lâu đến nỗi biến thành thói quen của người miền Tây. Chờ hai, ba giờ qua để phà là bình thường, ngày lễ tết nửa buổi gần hết ngày cũng bình thường luôn.
Mỗi bến phà là một “thị tứ” nhỏ xíu luôn nhộn nhịp ngày đêm: hàng quán sát hai mặt đường treo đủ thứ bánh tráng nem chua bánh phồng lạp xườn trái cây mùa nào thức ấy... những chai nước ngọt, “nước suối”, xửng hấp bánh bao bánh giò, xe bánh mì... Rồi quán hủ tiếu cơm tấm phở bún bò bánh canh... ôi thôi miền Tây có đặc sản ẩm thực gì thì ở bến phà có món đó.
Trên phà thường xuyên có một lực lượng hùng hậu bán hàng rong: bắp nấu, trứng cút, bánh phồng, trái cây bịch, trà đá, đậu phộng luộc, cả nem chua bánh ít, bánh tét gói nhỏ xíu... Ngồi trên phà gió mát rượi làm hành khách đói bụng hơn sau khi đã phải chờ đợi mỏi mòn, ăn vặt lót dạ vừa kịp lúc phà cập bến lại hối hả chạy theo chiếc xe đò đang leo lên bờ. Trên phà, không khí đặc quánh mùi xăng dầu, mùi người, mùi của mặt sàn phà nhớp nháp... quyện vào nhau thật khó chịu.
Khi phà đã xa bờ, cơn gió mát tràn qua mang lại sự trong lành trong chốc lát, rồi tất cả lại đậm đặc trong tiếng sình sịch đều đều của động cơ... Có người mơ màng ngủ gật giật mình bởi tiếng rao “báo mới đây, hôm nay thành phố có 30 người bị lừa”, thấy tin giật gân bèn mua tờ báo, nghe liền sau đó “báo mới đây hôm nay thành phố có 31 người bị lừa”... xung quanh cười ồ. Những chuyện vui như thế trên chuyến phà nào cũng có.
Phà Bình Khánh qua sông Nhà Bè sang huyện Cần Giờ
Với tôi ấn tượng chờ phà qua phà không phải là nơi nổi tiếng như phà Mỹ Thuận hay Bắc Cần Thơ, mà là một chiếc phà nhỏ vùng Cần Giờ: Phà Dần Xây. Những năm 1990, chúng tôi thường xuyên đi nghiên cứu và khai quật các di tích khảo cổ học ở đây. Hàng tuần 1,2 lần từ TP.HCM đi chiếc xe Jepp trống hơ trống hoác qua huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh ra Cần Giờ theo con đường lúc đó mới đắp, đất đỏ bụi mù, có đoạn đường bị lở hai xe tránh nhau còn khó.
Cũng may, đường “duyên hải” lúc đó chạy cả tiếng có khi chưa thấy chiếc xe nào chạy ngược. Hai bên bờ ngút ngát dừa nước, kênh rạch chằng chịt, vài chiếc cầu sắt nhỏ gập ghềnh chỉ một xe qua được.
Phà Dần Xây qua một nhánh của sông Đồng Tranh đổ ra sông Lòng Tàu. Nhánh sông khá lớn và chịu ảnh hưởng rất rõ của chế độ bán nhật triều từ cửa Gành Rái, vì vậy phải canh giờ “con nước lớn” theo ngày âm lịch để kịp giờ qua phà không phải chờ lâu. Tuy vậy, nhiều lần chúng tôi phải chờ ở đó gần nửa ngày, dòng sông vào lúc “nước ròng” lộ ra bãi sình lớn, chỉ có chiếc ghe nhỏ chở người đi bộ hay xe đạp nhưng phải lội sình lầy khá xa từ bờ ra ghe, còn xe máy xe hơi thì chờ phà.
Ở bến phà chỉ có phòng bán vé và quán nhỏ kế bên, bán trà đá cà phê, treo một, hai cái võng tòng teng. Đi lại nhiều riết rồi quen thân với mấy cô bán vé và bà chủ quán. Bữa nào tới bến mà chưa qua được phà thì tôi nằm võng đung đưa, nghe mùi bùn sực lên trong nắng, nước ròng nên đứng gió, trời cứ xanh thẳm không một bóng mây... Nghe mấy anh đồng nghiệp tán chuyện với mấy cô mà ngủ quên hồi nào không hay. Khi thấy làn gió lao xao tràn qua rừng cây mắm đước hai bên là biết đang nước lớn, sắp qua được phà.
Những chiếc phà Thủ Thiêm kết thúc sứ mệnh trăm năm nối hai bờ sông Sài Gòn.
Sống ở Nam bộ, cả ở những thành phố lớn, mấy ai chưa từng đi qua những chuyến phà bến bắc? Nhiều năm trước, một buổi chiều muộn đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… Đó là hôm phà Thủ Thiêm ngừng hoạt động. Đi làm về tôi thấy con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: hồi sáng tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi các con cho tôi xem những bức hình chụp chiếc phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ…
Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm, đã đi vào câu ca dao nổi tiếng “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”.
Những chuyến phà đưa đón hàng triệu lượt người xe qua lại cả năm không hề ngưng nghỉ một ngày đã lùi dần vào kí ức
Hồi mới khánh thành cầu Mỹ Thuận, dân miền Tây hàng tháng trời còn chèo ghe về đứng ngắm chiếc cầu là mơ ước bao đời. Bây giờ trên những chuyến xe vun vút qua những cây cầu mới trên sông Sài Gòn, sông Tiền sông Hậu như cầu Thủ Thiêm, Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, cầu Vàm Cống mới đây… hành khách mải mê ngắm cây cầu dây văng hiện đại vươn dài qua dòng sông rộng. Không biết có ai còn nhớ bến phà nổi tiếng một thời, nhớ những chiếc phà rộng lòng đưa đón hàng triệu lượt người xe qua lại cả năm không hề ngưng nghỉ một ngày.
Hiện nay, đi xe về đồng bằng sông Cửu Long có thể ghé bất cứ trạm dừng nào để nghỉ ngơi, ăn uống, mua đặc sản... Không gian sạch sẽ và ngăn nắp như trạm dừng trên nhiều con đường khác mang lại cảm giác thoải mái cho hành khách, nhưng không ít người nao nao thương nhớ sự sống náo nhiệt và thân thiện “rất miền Tây” của bến phà bến bắc ngày xưa.
Cuộc sống là phát triển, những bến phà và những chuyến phà ở miền Tây cứ vắng dần rồi sẽ mất... Quốc lộ 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ những chiếc cầu đã liền mạch nhưng vẫn còn cảnh kẹt xe tắc đường y như hồi phải chờ phà qua bắc. Mong sao miền Tây sẽ có thêm đường cao tốc để nơi này thực sự chuyển mình thay đổi, xứng đáng với những gì nơi này đã cống hiến cho cả nước!