Nó được mô tả là những sinh vật thủy sinh đầy mê hoặc, lai nửa người nửa cá, đã được phát hiện ở các vùng biển trên khắp thế giới và xuất hiện trong văn học dân gian ở nhiều nền văn hóa khác nhau.
Theo truyền thuyết, vẻ đẹp của các nàng tiên cá được cho là có khả năng dụ dỗ mọi người đến với cái chết. Nhưng đằng sau những lời đồn đại đầy mê hoặc, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề liệu đó có phải là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp?
Nàng tiên cá có nguồn gốc từ Assyria cổ đại, ngày nay là miền bắc Syria, với truyền thuyết về nữ thần Atargatis được thờ phụng, sau này lan sang Hy Lạp và La Mã. Trong một câu chuyện truyền thuyết của địa phương thời kỳ cổ đại, Atargatis tự biến mình thành nửa người nửa cá khi cô tự dìm mình xuống nước vì xấu hổ do vô tình đã giết chết người yêu của mình.
Tuy nhiên, trong các tài liệu khác, Atargatis được mô tả là một nữ thần sinh sản có liên hệ với một nữ thần thân cá ở Ascalon. Người ta cho rằng việc tôn thờ Atargatis và Ascalon cuối cùng đã hợp nhất thành một, dẫn sự ra đời của nàng tiên cá.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nàng tiên cá là cái tên được nhắc đến có liên quan đến các sự kiện đầy chết chóc trong văn hóa châu Âu, châu Phi và châu Á, bao gồm lũ lụt, bão, đắm tàu và chết đuối.
Nhà thơ vĩ đại của Hy Lạp Homer mô tả chúng đã dụ các thủy thủ đến cái chết trên biển. Nàng tiên cá đã được mô tả trong các tác phẩm điêu khắc Etrurian, sử thi Hy Lạp và các bức phù điêu trong các lăng mộ La Mã.
Năm 1493, Christopher Columbus báo cáo rằng đã nhìn thấy ba nàng tiên cá gần Haiti trong chuyến du hành tới vùng biển Caribbean. Trong nhật ký tàu của mình, Columbus đã viết "chúng không đẹp như những gì được vẽ, mặc dù ở một mức độ nào đó chúng có hình dạng của một khuôn mặt người".
Ngày nay, các nhà khoa học khẳng định rằng mô tả của hristopher Columbus là ghi chép đầu tiên về việc nhìn thấy lợn biển, một loài động vật có vú sống ở biển.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu ý tưởng về nàng tiên cá bắt nguồn từ một chứng rối loạn y tế có thể nhìn thấy được? Sirenomelia, được đặt tên theo thần thoại Hy Lạp, và còn được gọi là "hội chứng nàng tiên cá", là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, có thể gây tử vong, đặc trưng bởi sự hợp nhất của các chi dưới. Tình trạng này dẫn đến tình trạng trông giống như một chi đơn lẻ, giống như đuôi cá khiến một số người đặt câu hỏi liệu những trường hợp cổ xưa của tình trạng này có thể đã ảnh hưởng đến các truyền thuyết trong quá khứ hay không.
Ví dụ, người ta biết rằng những mô tả cổ xưa về quái vật biển bắt nguồn từ việc nhìn thấy các loài chưa được biết đến vào thời điểm đó, chẳng hạn như cá voi, mực khổng lồ và hải mã, rất hiếm khi được nhìn thấy và ít được hiểu biết.
Sau khi truy tìm lại các tài liệu tham khảo về tình trạng y tế trong các văn bản lịch sử và các bằng chứng từ những mẫu vật tại Bảo tàng Y tế & Sức khỏe Quốc gia ở Washington D.C., Bảo tàng Giải phẫu của Đại học Naples và Bảo tàng Vrolik ở Amsterdam, nhà sử học y khoa Lindsey Fitzharris, đã đưa ra một báo cáo về chứng rối loạn tiên cá. Đề cập sớm nhất được biết đến mà cô có thể tìm thấy là trong một bản sao của Human Monstrosities, một tập bản đồ bốn tập được xuất bản vào năm 1891.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Sơ sinh Lâm sàng, Kshirsagar et. al giải thích rằng hội chứng tiên cá sirenomelia xảy ra khi dây rốn không hình thành hai động mạch, chỉ cung cấp đủ máu cho một chi. Việc này là cực kỳ hiếm, với tỷ lệ 0,8-1 trường hợp/100.000 ca sinh. Do dị tật đường tiêu hóa và niệu sinh dục nghiêm trọng, những đứa trẻ sinh ra với chứng rối loạn này hiếm khi sống sót lâu hơn một vài ngày. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật, hiện nay đã có một số trường hợp hiếm hoi có thể sống lâu hơn.
Một trong những ví dụ đơn cử là trường hợp Tiffany Yorks đến từ Florida, Mỹ. Trải qua cuộc phẫu thuật để tách đôi chân khi mới chỉ một tuổi, Tiffany đã sống cho đến năm 27 tuổi. Mặc dù có vấn đề về khả năng vận động nhưng cuộc phẫu thuật vẫn khiến cô trở thành người sống sót lâu nhất trong tình trạng bệnh hiếm gặp liên quan đến hội chứng tiên cá.
Hay Shiloh Pepin, người được mệnh danh là nàng tiên cá, trở nên nổi tiếng với tình trạng của mình, đặc biệt là sau khi cô tham gia vào một bộ phim tài liệu theo chân cô và gia đình nói về chứng sirenomelia. Sinh ra ở Maine, Mỹ, cơ thể của Shiloh Pepin được hợp nhất từ thắt lưng trở xuống và cô ấy không có bộ phận sinh dục cũng như không có trực tràng. Gia đình đã quyết định không tách đôi chân dính liền của Shiloh Pepin. Sau đó cô đã qua đời vào năm 10 tuổi.
Nằm trong số những người sống sót sau tình trạng hiếm gặp còn có một cô gái người Peru tên là Milagros Cerrón. Năm 2006, một nhóm chuyên gia đã tách thành công chân của cô bé. Milagros Cerrón cần phải phẫu thuật liên tục để điều chỉnh các biến chứng liên quan đến thận, hệ tiêu hóa và tiết niệu sinh dục của cô ấy. Nhưng năm 15 tuổi, Milagros Cerrón cũng đã qua đời vì suy thận.
Trang Phạm
Theo Ancient-origins