Nắng nóng gay gắt, bác sĩ chỉ ngay cách phòng tránh

ANH ĐÀO| 15/02/2023 19:03

Thời tiết đang dần nóng lên, nhiều nơi nắng nóng lên đến gần 40 độ C, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như mệt mỏi, cảm nắng, ngứa ngáy, mất nước qua đường mồ hôi, thậm chí là ngất xỉu...

1530493702-775-thumbnail_schema_article.jpeg
Nhiều tỉnh, thành bước vào mùa nắng nóng gay gắt - Ảnh: Internet

Bác sĩ Lê Ngô Minh Như - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, gợi ý một số cách để bảo vệ sức khỏe vào mùa nắng nóng.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá lâu

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nên hạn chế các hoạt động vui chơi, hoạt động thể lực trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên đội mũ, mặc quần áo chống nắng, thoa kem chống nắng để tránh cảm nắng, tác hại đến da, mất nước thậm chí ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt (đây được xem là biến chứng nghiêm trọng).

Khi nhiệt độ cơ thể từ 40 độ C trở lên khiến cho phần não điều hòa nhiệt độ cơ thể hoạt động sai dẫn đến mất khả năng tiết nhiệt và hạ nhiệt.

Ngoài ra, tia cực tím (UV) trong ánh nắng cao và khi bạn tiếp xúc nhiều và liên tục có thể gây tổn thương da, thậm chí có thể gây ung thư da khi tiếp xúc quá mức.

Tránh tắm ngay sau khi đi nắng về

Sau khi đi nắng, vận động dưới nắng về mọi người thường có thói quen tắm hoặc ngâm mình dưới nước để hạ nhiệt cơ thể nhanh chóng.

Thói quen tắm này khiến cho lỗ chân lông đóng mở bất thường để điều chỉnh nhiệt độ đột ngột.

Đây là một thói quen tắm không khoa học, nó không giúp bạn giảm mệt mỏi hay thư giãn mà còn làm cơ thể bạn dễ cảm lạnh.

Tránh uống nước đá lạnh

Uống nước đá, ăn đồ ăn lạnh được xem là phương pháp giải nhiệt hàng đầu cho ngày nắng nóng.

Tuy nhiên, việc sử dụng đồ ăn, đồ uống lạnh quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ khiến cổ họng bị tổn thương, tạo điều kiện mầm bệnh tấn công cơ thể, cơ thể suy nhược, mệt mỏi.

Ngoài ra, việc ăn uống lạnh quá nhiều cũng ảnh hưởng nhiểu đến răng miệng như ăn nóng uống lạnh có thể ảnh hưởng men răng làm cho răng ê buốt.

Hay đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích khi ăn uống lạnh có thể dẫn đến tiêu chảy, mất nước nhiều hơn qua đường đại tiện.

Như vậy, ăn uống lạnh chỉ giúp làm giảm nhiệt tức thì chứ không giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ với thời tiết nắng nóng.

Tránh ăn nhiều đồ chiên xào rán

Đồ ăn chiên rán sẽ nhiều dầu mỡ, đây là các loại thực phẩm sinh nhiệt khi sử dụng quá nhiều, sẽ làm bạn nóng hơn và có thể gây mất nước, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ béo phì, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa chung cơ thể.

Tránh sử dụng nước có ga, rượu, bia, thuốc lá

Thói quen thường thấy nhất ở giới trẻ như mùa hè ăn gà rán, uống nước ngọt để giải nhiệt.

Tuy nhiên, những thực phẩm như bia, rượu, nước ngọt có ga,… là những thức uống tăng sinh nhiệt, có xu hướng thúc đẩy cơ thể đào thải và tạo nước tiểu.

Như vậy, bạn sẽ cảm thấy lúc nào cũng khát nước và mệt mỏi, khiến cơ thể thiếu nước trầm trọng hơn.

bao-ve-suc-khoe-khi-nang-nong.jpeg
Những người thường xuyên lam việc ngoài trời chú ý bổ sung thêm nước uống - Ảnh: Internet

Ăn uống ra sao?

Bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 - cho biết đối với rau củ quả, chúng ta nên bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc ngăn chứa rau củ của tủ lạnh để giữ cho thực phẩm được tươi ngon.

Trước khi sử dụng phải rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy để loại bỏ các chất bẩn. Đối với thực phẩm khác như thịt, cá, hải sản… từ động vật phải sử dụng khi còn mới hoặc trữ ở ngăn đông - ngăn đông mềm.

Bổ sung đủ lượng nước trong ngày

Việc uống nước rất quan trọng. Thông thường, mỗi người lớn nên duy trì uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì việc bổ sung nước lại càng quan trọng hơn.

Nhất là những người phải thường xuyên ở ngoài trời, việc bổ sung nước phải được chú trọng hơn vì mất nước do tình trạng thoát mồ hôi nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, choáng, khó thở...

Theo các chuyên gia, nên uống nước rải đều trong ngày, mỗi lần uống một lượng vừa phải (khoảng 150 - 250 ml), uống từng chút một, không uống quá nhiều nước trong một thời điểm. Không nên đợi khát mới uống.

Bổ sung vitamin và khoáng chất

Rau củ quả và các thức ăn dễ tiêu hóa sẽ là lựa chọn tối ưu cho mùa nắng nóng. Tuy nhiên, vẫn cần giữ một chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ các chất để duy trì hoạt động cho cơ thể.

Bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin C, A, canxi, vitamin nhóm B, sắt… trong các loại rau củ quả như cam, chanh, rau dền, cà rốt, khoai tây, táo… Các loại trái cây ngọt, có tính nóng như xoài chín, mít, sầu riêng, vải, nhãn… cần được hạn chế.

Bổ sung tinh bột đa dạng như gạo, bún, bánh mì… tùy vào công việc của mỗi người mà có thể điều chỉnh lượng tinh bột trong ngày cho phù hợp.

Đối với người ăn kiêng, có thể sử dụng 1 chén cơm mỗi ngày hoặc thay thế bằng bún để giảm được lượng tinh bột.

Bổ sung đạm từ động thực vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, các loại nấm… nhằm duy trì hoạt động cho cơ thể.

Nên chế biến món ăn bằng cách luộc hoặc nấu canh, xào… hạn chế thức ăn chiên nướng để giảm bớt lượng chất béo không cần thiết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng gay gắt, bác sĩ chỉ ngay cách phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO