Năng lượng sạch sẽ giúp giảm thiên tai do biến đổi khí hậu

20/12/2023 17:12

GS. Solomon - nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển vừa chia sẻ một số thông tin về triển vọng phát triển năng lượng sạch bên lề Tuần lễ Khoa học VinFuture.

Thời gian qua chứng kiến nhiều vụ cháy rừng ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Các đám cháy rừng có tác động thế nào  tới biến đổi khí hậu và môi trường? 

GS. Susan Solomon: Vừa rồi có nhiều đám cháy rừng ở các khu vực rộng lớn tại Mỹ, Úc, Brazil. Các đám cháy rừng tạo ra các vật thể, chất hóa học và tác động lớn đến môi trường và tầng ozone.

Đó là lĩnh vực mà tôi quan tâm và cũng là một trong những phạm vi mà tôi đang nghiên cứu. Các đám cháy này rất lớn, với các bụi khói lên đến tận tầng khí quyển. Do vậy chúng có tác động rất lớn tới môi trường.

gs susan solomon 10.jpg
GS. Solomon - nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển chia sẻ một số thông tin về triển vọng phát triển năng lượng sạch bên lề Tuần lễ Khoa học VinFuture.

Là một trong những quốc gia cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải làm gì để đạt được cam kết đó?

GS. Susan Solomon: Tôi nghĩ chúng ta cần nhanh chóng, không thể chờ đợi mà phải có những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn trước khi tới đích là năm 2050, nếu không sẽ quá muộn.

Theo Nghị định thư Montréal về các chất làm suy giảm tầng ozone, chúng ta cần phải kiên định trong vấn đề sử dụng năng lượng sạch.

Việt Nam cần thay đổi từ việc sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch, sang việc đi xe điện. Điều đó sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường rất nhiều. Ngoài ra, còn có việc dùng rơm rạ để đun nấu.

Để giảm thiểu khí thải, chúng ta có thể dùng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời. Việt Nam là đất nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất tốt.

Các bạn nên có cơ chế để hỗ trợ tài chính cho người dân thực hiện những chuyển đổi như vậy. Tất nhiên, đấy là thử thách đối với một nước đang phát triển.

Bà đánh giá thế nào về những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc không sử dụng chất CFC, một trong những nguyên nhân làm suy giảm tầng ozone?

GS. Susan Solomon: Cam kết của Việt Nam đã được hoàn thành tốt. Điều này đã minh chứng cho sự phối hợp thành công của các quốc gia trong việc ngừng sử dụng chất CFC, nhằm bảo vệ tầng ozone.

Tuy nhiên, chúng ta đang có vấn đề về khí CO2. Điều cần làm hiện nay là giảm thiểu được loại khí thải này. Một vấn đề nữa là làm sao để giữ sự cân bằng, giữa cam kết của các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Triển vọng chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ra sao? 

GS. Susan Solomon: Tôi rất lạc quan về điều này. Bởi vì khi giá thành để sản xuất ra năng lượng sạch giảm, thì những vật liệu pin rồi năng lượng điện sẽ giảm đi. Như hiệu ứng dây chuyền, nó sẽ kéo tất cả mọi thứ giảm giá và có hiệu quả kinh tế hơn.

Ví dụ điển hình là Trung Quốc, ở đây xe điện được sử dụng phổ biến đến mức không thể tưởng tượng được. Tôi lạc quan về triển vọng chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch bởi những hiệu ứng đó sẽ xảy ra rất nhanh.

Hy vọng rằng người dân Việt Nam cũng có những nhu cầu tương tự và mong muốn thay đổi. Đấy là quyền lợi và lợi ích của mỗi người dân. Trước nhu cầu của người dân, Chính phủ sẽ bị tác động và phải hành động để theo kịp những mong muốn đó.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nang-luong-sach-se-giup-giam-thien-tai-do-bien-doi-khi-hau-2228729.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nang-luong-sach-se-giup-giam-thien-tai-do-bien-doi-khi-hau-2228729.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năng lượng sạch sẽ giúp giảm thiên tai do biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO