Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã đến mức đáng báo động?

19/04/2022 08:54

Chuyên gia nhận định thật nguy hiểm khi nghĩ Triều Tiên còn phải mất nhiều năm nữa mới thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để tích hợp trên tên lửa.

Vụ phóng 2 tên lửa vào chiều tối ngày 16/4 của Triều Tiên khiến giới phân tích bày tỏ mối quan ngại về việc chính quyền Bình Nhưỡng sẽ gia tăng tần suất thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong những tháng tới.

Hôm 17/4, truyền thông Triều Tiên đưa tin quân đội nước này đã thử nghiệm một loại "vũ khí dẫn hướng chiến thuật mới" được mô tả là “bước đột phá lớn” nhằm tăng cường hoạt động của “vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã đến mức đáng báo động?
Vụ phóng tên lửa hôm 16/4 của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Hai vật thể được Triều Tiên phóng về phía bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ 12 của chính quyền Bình Nhưỡng trong năm nay, so với con số 4 vụ phóng vào năm 2020 và 8 vụ trong năm 2021.

Hai vật thể của Triều Tiên được phóng từ khu vực Hamhung vào lúc 18h ngày 16/4 và bay xa khoảng 110 km trên độ cao 25 km với tốc độ tối đa là Mach 4.0 hoặc thấp hơn, theo đánh giá của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.

Vụ thử nghiệm của Triều Tiên diễn ra trước một ngày đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên là ông Sung Kim cùng cấp phó Jung Pak tới Seoul để thảo luận về các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên thời gian gần đây, cũng như mối quan ngại Bình Nhưỡng sẽ nối lại chương trình thử nghiệm hạt nhân. Chuyến thăm của ông Sung Kim trùng với ngày quân đội Mỹ - Hàn bắt đầu đợt diễn tập chung trên máy tính thay vì huy động binh sĩ ra thao trường kéo dài 9 ngày.

Chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà phân tích nhận định vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy Triều Tiên có ý định trang bị đầu đạn hạt nhân trên dàn tên lửa tầm ngắn và tầm trung đang được sử dụng. Động thái của Triều Tiên không chỉ đe dọa an ninh của Hàn Quốc, mà còn Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ.

“Triều Tiên muốn nhấn mạnh kế hoạch trang bị cho tên lửa tầm ngắn và tầm trung không chỉ với đầu đạn thường, mà cả đầu đạn hạt nhân”, Giáo sư chuyên nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha là ông Park Won-gon nói.

“Chuyện này sẽ làm tăng cao mối nguy hiểm của cuộc xung đột trong khu vực khi dễ dàng leo thang thành chiến tranh hạt nhân”, ông Park nói thêm.

Giới phân tích nhận định các loại tên lửa đạn đạo như KN-23 hoặc KN-24 có thể được cải tiến để phù hợp với các ống phóng trên xe phóng tự hành (TEL).

Lần đầu tiên được trình làng trong cuộc diễu binh quân sự vào năm 2019, KN-23 được mô tả là vũ khí khó bị đánh chặn.

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay Chủ tịch Kim Jong-un đã đích thân giám sát vụ phóng thử tên lửa vào chiều tối ngày 16/4. Một bức ảnh được công bố cho thấy ông Kim mỉm cười và đứng vỗ tay bên cạnh các quan chức quân sự Triều Tiên.

Tập trung cho vũ khí hạt nhân chiến thuật 

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng trên chiến trường được xem là mục tiêu chính của ông Kim giữa lúc Triều Tiên đang gặp vô vàn khó khăn kinh tế.

“Thật nguy hiểm khi nghĩ Triều Tiên còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và sử dụng chúng như vũ khí chiến thuật trên chiến trường”, ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment cho hay.

Trước đó, hồi tháng 1/2021, ông Kim nhấn mạnh Triều Tiên có thể “thu nhỏ, giảm trọng lượng và tiêu chuẩn hóa các loại vũ khí hạt nhân, cũng như biến chúng thành vũ khí chiến thuật”, đồng thời đề ra mục tiêu phát triển nhiều loại vũ khí khác như tên lửa siêu thanh và vệ tinh tình báo. Trong năm nay, Triều Tiên cũng tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh.

Ông Cheong Seong-chang tại Viện Sejong cho biết, Triều Tiên dường như đang muốn tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên các loại tên lửa mới phát triển và triển khai chúng tới các đơn vị quân sự nằm gần biên giới Hàn Quốc.

“Nhu cầu thử nghiệm một vũ khí trag bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên hiện lớn hơn bao giờ hết”, ông Chang cho hay.

Hồi tuần trước, trang web 38North còn công bố các bức ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động ở cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên liên quan tới việc khôi phục đường hầm số 3 để phục vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Trong tháng này, bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un cũng đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, nếu như Hàn Quốc triển khai tấn công phủ đầu. Đây là phản ứng của bà Kim Yo-jong sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook nói trước Quốc hội rằng, Hàn Quốc có thể tấn công vào các vị trí phong tên lửa của Triều Tiên.

Vụ thử nghiệm 2 tên lửa mới của Triều Tiên vào ngày 16/4 diễn ra chỉ sau một ngày Bình Nhưỡng tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của cố Chủ tịch kim Nhật Thành.

Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên cho rằng những hành động khiêu khích của chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ diễn ra trong một số ngày quan trọng trong vài tháng tới bao gồm kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập quân đội Triều Tiên 25/4, lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốv 10/5 và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn diễn ra vào cuối tháng Năm.

“Chúng ta dường như sẽ được chứng kiến một cuộc diễu binh quân sự quy mô lớn và nhiều vụ thử nghiệm của Triều Tiên liên quan tới vệ tinh tình báo, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa hạt nhân, tên lửa chiến thuật và tên lửa phóng từ tàu ngầm”, ông Yang nói.

Minh Thu (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/bao-dong-ve-nang-luc-hat-nhan-cua-trieu-tien-409081.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/bao-dong-ve-nang-luc-hat-nhan-cua-trieu-tien-409081.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã đến mức đáng báo động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO