Hoàng Dung đăng quang Hoa hậu Áo dài tại Úc. Sau khi về nước, dù ít tham gia showbiz nhưng mỗi khi xuất hiện, cô luôn thu hút sự chú ý bởi hình ảnh sành điệu, diện hàng hiệu từ đầu tới chân.
Nàng Hậu khá kín tiếng trong đời tư, ngược lại, cô tập trung kinh doanh và nâng cao kiến thức. Mới đây, Hoa hậu Hoàng Dung đã bật mí về việc cô vừa vượt qua vòng thi đầu vào và trở thành nghiên cứu sinh khóa Tiến sĩ Tài chính ngân hàng.
Để vượt qua vòng thi này và trở thành 1 trong 10 nghiên cứu sinh, ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ đã vô cùng khắt khe với những yêu cầu về bằng cấp, trình đồ ngoại ngữ, chất lượng đề tài và cả việc thuyết trình đề tài. Hoàng Dung cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ trong vòng 2 năm.
Hoàng Dung chia sẻ: "Đầu tiên, mục đích tôi học là vì bản thân. Tôi muốn nghiên cứu khoa học để mình 'giàu' hơn về trí thức. Với tôi, việc học không bao giờ là đủ, kể cả khi chúng ta đi đến gần hết cuộc đời. Thứ hai, tôi muốn trở thành tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho con trai mình. Từ hành động của tôi, con sẽ hiểu và ý thức hơn về việc phải không ngừng học hỏi để hoàn thiện tri thức".
Dạy con trân trọng đồng tiền ngay từ khi còn nhỏ
Ngoài học vấn đáng nể, nàng Hậu này còn được biết đến là bà mẹ dạy con cực khéo. Có điều kiện kinh tế khá giả, tuy nhiên không vì thế mà cô đáp ứng mọi yêu cầu của con trai. Cô cho biết: "Đối với gia đình tôi nói chung và cá nhân tôi nói riêng, chưa bao giờ thấy tiếc con bất cứ cái gì. Và thực chất thì những gì con muốn, nó cũng quá nhỏ so với mức chi tiêu của gia đình. Nhưng ngay từ khi con còn bé, vợ chồng tôi đã thống nhất rằng phải giáo dục con để con biết giá trị của đồng tiền, tạo cho con động lực vươn lên trong cuộc sống và xây dựng ý thức biết trân trọng những gì người khác mang tới cho mình".
Hoa hậu Hoàng Dung có các nguyên tắc dạy con về tài chính:
- Từ khi con còn rất bé, con luôn được nghe thông điệp: "Nhà mình nghèo, bố mẹ vất vả…". Tôi không chỉ trích ai, nhưng tôi thấy nhiều người nợ nần đầm đìa ra nhưng vẫn gọi con là rich kid. Tôi không có chung quan điểm đó trong cách giáo dục con mình.
- Khi con bắt đầu biết nhận thức, tôi thấy con liên tục ngày nào cũng mất bút, mất đồ đùng học tập. Hỏi ra thì con bảo con cho bạn, ngày nào cũng cho. Sau đó về bảo bố mua, kiểu gì cũng lại có cái mới. Từ đó tôi yêu cầu "nếu mất thì sẽ không có đồ dùng, cô giáo phạt cũng phải chịu". Và lần sau thì con bắt đầu có ý thức giữ gìn hơn.
- Vợ chồng tôi yêu cầu con rửa bát từ lúc học lớp 5, mỗi lần được trả công 20 nghìn đồng. Và tự tiết kiệm tiền để chi trả cho các nhu cầu cá nhân như là mua game, mua những thứ mà bản thân yêu thích. Mỗi lần bạn ấy mua game, bạn ấy mượn thẻ tín dụng của mẹ để mua và trả lại cho mẹ bằng tiền mặt từ nguồn tiền tiết kiệm.
Bạn ấy chợt nhận ra, để mua 1 game hết mấy trăm nghìn, bạn ấy phải rửa bát gần 1 tháng trời. Và bạn bắt đầu biết giá trị của đồng tiền quy đổi ra sức lao động như thế nào. Bạn bắt đầu muốn kiếm tiền từ những công việc thu nhập cao hơn và ít vất vả hơn, như là xin vào làm part time ở công ty của mẹ, bắt đầu bằng chân đóng mở cửa hàng ngày để nhận 50 nghìn/lần. Và bạn cũng trân trọng hơn mỗi đồng tiền bản thân kiếm được chứ không dám phung phí nữa.
- Vợ chồng tôi cũng cho con đi cùng trong những cuộc tiếp khách nước ngoài hoặc công tác tỉnh. Để con mường tượng ra công việc của bố mẹ vất vả ra sao, chứ không phải ngồi yên tiền rơi vào đầu. Con lại thân với mẹ hơn bố nên tôi dồn mọi thời gian có thể để làm công tác tư tưởng cho con về việc kiếm tiền và giá trị của đồng tiền trong cuộc sống.
- Tôi thấy con khác biệt về tư duy sau mỗi năm. Trước đây, con có vẻ an phận, suy nghĩ giản đơn kiểu muốn gì là bố mẹ lo cho hết. Giờ đây con có khát vọng rõ nét về công việc, về đích đến. Con luôn muốn trở thành 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp và tích lũy tài sản sớm để an nhàn ở độ tuổi 40. Tất nhiên để thực hiện không dễ, nhưng cứ phải có kế hoạch đã thì mới nghĩ cách để thực hiện được. Còn bản thân mông lung không biết mình muốn gì thì 20 năm nữa cũng chẳng đi đến đâu.
- Tôi bảo con "con cứ làm những gì con muốn, nhưng mẹ cho con 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học mà lương không được nổi 100 triệu/tháng thì phải về công ty làm cho mẹ". Lương nhân viên công ty mẹ gần 200 triệu rồi. Tôi luôn tâm niệm trong lòng, không gây sức ép, không quá kỳ vọng con phải thành ông nọ bà kia, nhưng bản thân mình luôn phải là tấm gương cho con muốn vươn lên phấn đấu.
Theo Phụ nữ Việt Nam