Nàng dâu Sài Gòn kể chuyện bật khóc trong ngày cưới ở quê chồng miền Bắc

20/03/2024 22:16

"Ngày cưới là ngày vui mà em bị mẹ chồng nhắc nhiều quá nên thành ra không vui. Khi mẹ đẻ từ Sài Gòn về quê chồng em để dự đám cưới, em nhìn thấy mẹ là ôm mẹ khóc luôn trước mặt mẹ chồng”.

Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu của gia đình bà Trần Thị Tính, 66 tuổi, quê Thanh Hoá lại một lần nữa cho thấy sự khác biệt vùng miền có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong mối quan hệ vốn đã nhiều phức tạp này.

Xuất hiện ở chương trình Mẹ chồng nàng dâu tập 373, bà Trần Thị Tính, 66 tuổi, quê Thanh Hoá chia sẻ bà có 2 con trai, trong đó con trai cả lấy vợ Bắc nên việc thích nghi và hoà hợp giữa 2 mẹ con dễ hơn nhiều so với con dâu thứ 2.

Khi con trai dắt chị Võ Thị Bảo Ngọc (chuyên gia tham vấn tâm lý đến từ TP.HCM) về ra mắt gia đình, bà rất lo lắng vì sự khác biệt về văn hoá vùng miền. Bà đã lường trước việc con dâu khó theo được những phong tục, lễ nghĩa của người miền Bắc. Tuy nhiên, bà cũng là người hiện đại nên không phản đối mối quan hệ của 2 con.

Về phía chị Ngọc, nàng dâu tâm sự, ngày đầu tiên về ra mắt nhà chồng, chị đã bất ngờ trước quan điểm rất khác biệt giữa người miền Nam và miền Bắc. Cụ thể là với chị, đây chỉ là một chuyến thăm nhà bạn trai. Chị chưa hề nghĩ tới chuyện kết hôn hay gắn bó lâu dài với anh.

Nhưng ngay trong lần ra mắt đầu tiên này, bà Tính đã xác định luôn “con trai dắt bạn gái về tức là đã tính tới chuyện lâu dài”. Bà gọi ngay chị Ngọc là con, xưng mẹ. Cách xưng hô của bà đã khiến chị Ngọc cảm thấy khá căng thẳng.

Mặc dù trong lòng còn nhiều băn khoăn nhưng bà Tính vẫn thể hiện thái độ chào đón con dâu tương lai và chị Ngọc hiểu rằng bà đã “chấm” mình.

mcnd1.jpg
Mẹ chồng người Bắc, con dâu người Nam gây ra nhiều tình huống khác biệt về văn hoá ứng xử giữa các vùng miền

Lần thứ hai chị Ngọc gặp mẹ chồng cũng chính là dịp làm đám cưới tại quê chồng. Việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này bắt đầu kéo theo những nỗi phiền lòng từ cả hai bên.

Chị Ngọc kể: “Nhà có quá nhiều việc phải làm mà em lại cứ vụng về như vậy. Mẹ áp lực nhiều công việc nên hay nhắc nhở và uốn nắn em. Ngày cưới là ngày vui mà em bị nhắc nhiều quá nên thành ra không vui. Khi mẹ đẻ từ Sài Gòn về quê chồng em để dự đám cưới, em nhìn thấy mẹ là ôm mẹ khóc luôn trước mặt mẹ chồng”.

Chị Ngọc thừa nhận hành động của mình lúc đó “quá trẻ con” và có thể khiến mẹ chồng buồn. “Thực ra mẹ không có làm gì quá với em đâu, chỉ là lâu nay em ‘công chúa’ quá. Và mẹ cũng rất tâm lý khi chưa bao giờ nhắc lại chuyện đó”.

Giãi bày về kỷ niệm này, bà Tính chia sẻ, bà rất hiểu và thông cảm với tâm lý con gái phải đi lấy chồng xa, nhất là lại làm dâu Bắc. “Chắc con cũng không nghĩ là có nhiều thủ tục, lễ nghĩa như thế”.

Bà Tính và chị Ngọc lấy ví dụ, ở nhà chị ăn cơm không nhất thiết phải mời nhau, nhưng khi về làm dâu, chị được mẹ chồng dạy dỗ lại từ những việc đó. Hay khi bà Tính hỏi con dâu thấy đồ ăn hôm nay thế nào, chị chỉ gật gật hoặc lắc lắc, sau đó mới trả lời mẹ. Trước những cư xử đó của con dâu, bà Tính lại phải nhắc con “từ nay mẹ hỏi thì trả lời luôn chứ đừng gật lắc như thế”.

Nghe thì có vẻ nghiêm khắc nhưng chị Ngọc thừa nhận, cho đến giờ, chị nhận thấy gia đình chồng đang thay đổi để thích nghi với nếp sống của mình chứ không phải ngược lại. “Sau một thời gian, mẹ đã nới dần ra và bây giờ mẹ rất thoải mái với em”.

Nghĩ lại quãng thời gian đầu về làm dâu, nàng dâu miền Nam tiết lộ đã có những lần chị khóc ấm ức với chồng vì sốc. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, chị cũng nghĩ ngược lại rằng mẹ chồng mình cũng là người bị sốc khi phải thích nghi với một người xa lạ.

mcnd2.jpg
Chị Ngọc nhiều lần khóc lóc với chồng khi phải chịu những áp lực trong mối quan hệ với mẹ chồng.

Là một người làm tham vấn tâm lý, chị đã lường trước được những mâu thuẫn có thể xảy ra trong mối quan hệ này. Nên từ trước khi kết hôn, chị đã nhắn nhủ trước với chồng: “Anh phải là cầu nối giữa 2 bên”. Tuy nhiên, khi tâm sự với chồng những điều không hài lòng về mẹ chồng, chị Ngọc lại nhận được phản ứng mà chị không mong muốn.

“Anh ấy hay nói ‘em ráng đi’, ‘em chịu khó chút’… Lúc ấy, đang không bình tĩnh và rất buồn, em phản kháng ngay lại là ‘ủa, sao em lại phải ráng?’” – chị Ngọc tâm sự.

Chồng chị cũng thừa nhận đây là lỗi của anh. “Thay vì bày tỏ sự thông cảm với vợ thì em lại nói những lời gây ấm ức cho Ngọc và chính em lại tạo khoảng cách giữa 2 người”.

Nhưng về sau, khi ngày càng có kinh nghiệm hơn, anh dần trở thành một “tham vấn viên” lý tưởng giữa vợ và mẹ.

Tuy nhiên, chị Ngọc cũng thú nhận, suốt 5 năm làm dâu, chị vẫn chưa thực sự dám nói chuyện cởi mở và thẳng thắn với mẹ. Chị vẫn thấy giữa 2 người có một khoảng cách nhất định.

Sau cuộc trò chuyện chân tình, chị Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên mẹ Tính chia sẻ nhiều như vậy. Những chia sẻ cởi mở của bà khiến chị quyết định sẽ “thả lỏng” bớt khi giao tiếp với mẹ chồng.

Mặc dù vẫn còn nhiều “giữ kẽ” với mẹ nhưng từ trước đến nay, chị luôn biết mẹ dành tình cảm chân thành cho mình. “Em nhớ mãi lần mẹ biết em thèm đồ chua nên đã âm thầm mua cho em túi mận về treo ở cửa. Em mong là mẹ sẽ thể hiện tình cảm với em bằng lời nói nhiều hơn, giống như những hành động mà mẹ đã làm”.

Ngược lại, bà Tính cũng mong con dâu quan tâm tới việc chăm sóc gia đình nhiều hơn bên cạnh công việc, sự nghiệp. Bà mong được coi chị Ngọc như con ruột của mình, không còn chút khoảng cách nào giữa 2 mẹ con.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Nàng dâu Sài Gòn kể chuyện bật khóc trong ngày cưới ở quê chồng miền Bắc
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO