Gần 3 tuổi, nhưng cô bé Kamila với khuôn mặt hốc hác và thân hình gày gò lộ rõ những chiếc xương sườn chỉ có cân nặng chừng 5 kg. Ngồi trong phòng bệnh cùng với nhiều bệnh nhi bị suy dinh dưỡng ở thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan, bà Bilqis cho biết cháu gái Kamila đã bị suy dinh dưỡng 8 tháng qua.
“Mẹ con bé cũng đang bị ốm và chúng tôi là những người nghèo. Con gái tôi cố nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng nó không có sữa cho con bú”, bà Bilqis chua xót nói.
Gia đình bé Kamila là một trong số hàng triệu người dân Afghanistan đang phải vật lộn trong cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng trong những tháng mùa đông giá rét và nền kinh tế quốc gia bị kiệt quệ. Các tổ chức cứu trợ quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi cần có thêm sự hỗ trợ đối với nhóm dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, giới chức Taliban, lực lượng đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan, thừa nhận quốc gia này đang đối mặt với “nhiều vấn đề kinh tế”, song khẳng định thông tin kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng chỉ là “tin giả”.
“Không ai bị chết đói và các thành phố đang tràn ngập lương thực”, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho hay.
Song ông Mujahid cho biết người dân Afghanistan đang vô cùng cần sự hỗ trợ về lương thực và thuốc men. Taliban đang “tăng cường hỗ trợ”, cũng như phân phối hàng hóa tới người dân bên cạnh nguồn cung của các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Ngay cả trước thời điểm Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng Tám, nghèo đói và bất ổn an ninh lương thực đã hoành hành ở quốc gia Nam Á do tình trạng hạn hán kéo dài, kinh tế suy sụp, xung đột liên miên và dịch bệnh.
Nhưng sau 3 tháng kể từ ngày Taliban tiến vào thủ đô Kabul, cuộc khủng hoảng ở Afghanistan trở nên trầm trọng hơn một cách nhanh chóng. Hàng tỉ USD viện trợ đã bị phong tỏa khiến nguồn tiền mặt ở Afghanistan cạn kiệt.
Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), trong mùa đông năm nay, gần 23 triệu người tương đương hơn một nửa dân số Afghanistan sẽ đối mặt với nạn đói khủng khiếp. Ít nhất 1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong do bị đói.
Tình hình ở các bệnh viện cũng vô cùng đáng quan ngại. Do không có tiền mua nhiên liệu, nhiều nơi đã phải chặt cây để đốt sưởi ấm trong phòng bệnh. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo tình hình ở Afghanistan sẽ chỉ xấu hơn, nếu như cộng đồng quốc tế không nhanh chóng hành động.
Dữ liệu của Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy đa phần người dân Afghanistan sống nhờ vào nghề nông. Nhưng quốc gia này đã mất 40% vụ mùa trong năm nay do hạn hán. Nguồn cung lương thực thiếu hụt, trong khi giá thực phẩm như lúa gạo và bánh mì tăng phi mã khiến nhiều người rơi vào cảnh bị đói.
“Đôi khi chúng tôi chỉ có nước và bánh mì, nhưng nhiều lúc thì không có một cái gì để ăn”, anh Musafer, một người lao động ở Afghanistan chia sẻ.
Hồi đầu tháng này, anh Musafer đã đưa con gái Razia gần 3 tuổi tới Bệnh viện Tỉnh Ghor để điều trị. Giống như bé Kamila, Razia cũng bị suy dinh dưỡng nặng. Đây là lần thứ 3 nhập viện trong vòng 8 tháng qua của cô bé Razia. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của bé gái vẫn không được cải thiện.
“Không công việc, không thu nhập, không thức ăn cho con. Mỗi khi nhìn con bé, tôi lại vô cùng đau lòng”, anh Musafer tâm sự.
Trong một tuyên bố hồi tháng 11, ông Richard Trenchard, đại diện Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Afghanistan đã mô tả tình hình là “vô cùng thảm khốc”.
“Những người nông dân mà chúng tôi từng nói chuyện cho biết, họ đã mất gần hết mùa vụ năm nay. Nhiều người phải bán gia súc, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và hiện không có tiền”, ông Trenchard cho hay.
Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, nghèo đói xảy ra phổ biến ở vùng nông thôn, nhưng nay tình trạng này xảy ra ở cả tầng lớp trung lưu và dân thành thị.
WFP cảnh báo các nhân viên chính phủ và giáo viên mà nhiều người trong số này đã bị nợ lương nhiều tháng đang xuất hiện trong dòng người xếp hàng nhận bữa ăn hàng ngày và điều trị y tế. Khắp đất nước Afghanistan, hình ảnh người dân bán quần áo, đồ đạc và gia súc mà đôi khi bán cả nhà để đổi lấy lương thực đang trở nên ngày càng phổ biến.
Nạn đói từng chỉ giới hạn ở vùng nông thôn, nhưng nay 10/11 khu thành thị đông dân nhất ở Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, theo bà Deborah Lyons, người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) nói hồi tháng 11.
Đáng thương hơn, ở nhiều khu tị nạn trong lãnh thổ Afghanistan, không ít gia đình nghèo khó không còn gì để bán và đành bán con gái làm “cô dâu nhí” để lấy tiền mua thức ăn cứu sống những người còn lại trong nhà. Chia sẻ với CNN, nhiều cặp bố mẹ cho hay đó là cách duy nhất để những đứa trẻ khác trong nhà có cơ hội được sống.
Không tiền, không thuốc chữa bệnh
Các bệnh viện ở Afghanistan đang quá tải bệnh nhân vào điều trị do bị suy dinh dưỡng, trong khi nguồn cung thuốc men và nhân viên y tế cũng đang thiếu hụt.
Chương trình y tế quốc gia của Afghanistan trước đây được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ nhưng bị tạm hoãn từ tháng Tám. Chuyện này khiến 2.300 cơ sở y tế không có tiền để mua các trang thiết bị, thuốc men và trả lương cho nhân viên.
Trẻ em và phụ nữ là những người bị tổn thương nhiều nhất từ nạn đói ở Afghanistan. (Ảnh minh họa) |
Tính tới cuối tháng Chín, phần lớn bệnh viện và phòng khám ở Afghanistan đã phải đóng cửa. Báo cáo của LHQ cho thấy, cứ 5 cơ sở y tế thì có chưa tới 1 cơ sở còn duy trì hoạt động.
Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát, Afghanistan có 39 bệnh viện điều trị Covid-19, nhưng nay chỉ còn 3 – 4 cơ sở còn vận hành, bác sĩ Paul Spiegel tại Đại học Johns Hopkins kiêm cố vấn cho WFP cho biết.
WHO nằm trong số nhiều tổ chức đã nối lại hoạt động vận chuyển thiếu bị và hàng hóa y tế thiết yếu bằng đường hàng không tới Afghanistan. Ngoài ra, Chương trình Phát triển LHQ cũng đã cung cấp 15 triệu USD cho ngành y tế Afghanistan vào tháng 11 để trả lương cho hơn 23.000 nhân viên y tế.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở bệnh viện cùng đội ngũ bác sĩ ở Afghanistan hiện không đủ để điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân.
Như tại Bệnh viện tỉnh Ghor, hơn 100 bà mẹ và trẻ em tới điều trị suy dinh dưỡng mỗi ngày, bên cạnh nhiều bệnh nhân mắc các bệnh khác như sởi, tiêu chảy và cảm cúm, theo ông Faziluhaq Farjad, trưởng khoa dinh dưỡng tại bệnh viện. Tuy nhiên, nguồn cung các thiết bị y tế và thuốc men cũng nhanh chóng cạn kiệt khiến khoa dinh dưỡng chỉ còn lại sữa để cung cấp cho bệnh nhân.
“Khoảng 70 trường hợp nhập viện là ca nặng và đây là khu vực thành phố, hãy tưởng tượng tình trạng tồi tệ ở các quận ra sao. Nếu không có ai quan tâm, mọi chuyện sẽ ngày càng xấu đi”, ông Farjad nhấn mạnh.
Một trong số bệnh nhân được bác sĩ Farjad điều trị là bé gái Nasrin (1 tuổi). Cô bé bị suy dinh dưỡng nặng tới mức dành phần lớn quãng thời gian sống ở viện.
“Cứ 20 ngày và thậm chí 10 ngày, chúng tôi lại đưa con vào viện. Đó là cuộc sống của chúng tôi và chúng tôi đang trải qua tình trạng như vậy”, anh Abdul Rauf, bố của bé gái Nasrin nói.
Sau 15 ngày điều trị, bé gái Nasrin đã được xuất viện và cân nặng chỉ là 6 kg. Cả gia đình lại trở về nhà, nơi 4 đứa trẻ khác đang chịu cảnh đói.
“Tôi mong cộng đồng quốc tế hỗ trợ những người đáng thương chịu cảnh nghèo và đói như chúng tôi. Nếu họ không giúp đỡ, tôi sẽ mất đi những đứa con của mình”, anh Rauf cho biết.
Hồi tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết hỗ trợ 1 tỉ euro (1,12 tỉ USD) cho Afghanistan. WB cũng hứa chuyển 280 triệu USD cho Qũy Trẻ em LHQ và WFP. Mỹ gần đầy đã đóng góp gần 474 triệu USD cứu trợ nhân đạo ngoài khoản cứu trợ phát triển trong năm nay. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu so với 9,5 tỉ USD tài sản bị đóng băng của Afghanistan ở nước ngoài.
Nhiều nghị sĩ Mỹ mà chủ yếu là thành viên đảng Dân chủ đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden giải phóng số tiền bị đóng băng cho Afghanistan để LHQ thực hiện hỗ trợ nhân đạo kịp thời.
Minh Thu (lược dịch)