Năm ưu tiên của cử tri trong bầu cử tổng thống Pháp

Vân Hà| 07/04/2022 09:54

Vị thế quốc tế, giá cả tăng nhanh, thực trạng chính trường cùng người nhập cư là vấn đề được cử tri Pháp quan tâm trong bầu cử tổng thống ngày 10/4 tới.

(04.06) Tấm bảng dán các áp phích cổ động của các ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp năm 2022. (Nguồn: AFP)
Tấm bảng dán các áp phích cổ động của các ứng cử viên bầu cử tổng thống Pháp năm 2022. (Nguồn: AFP)

Chủ nhật ngày 10/4 tới, người dân Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Dưới đây là năm vấn đề được các cử tri Pháp quan tâm.

Đầu tiên, đó là vị thế quốc tế của Pháp. Xung đột Nga-Ukraine đã tạo cơ hội cho ông Emmanuel Macron thể hiện quyền lực với tư cách là nguyên thủ quốc gia và tận dụng tư cách thành viên NATO của Pháp để thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi.

Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos nhận định: “NATO trở nên quan trọng trở lại đối với nước Pháp, và Pháp cũng lấy lại tầm quan trọng của mình trong liên minh này”. Đặc biệt, ngay cả các ứng cử viên cực hữu mang tư tưởng hoài nghi châu Âu như bà Marine Le Pen hay ông Eric Zemmour cũng đã ngừng kêu gọi một cuộc “Frexit”.

Ông Duclos khẳng định: “Châu Âu là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự suốt nhiệm kì Tổng thống của ông Macron. Những gì ông ấy làm được hầu hết đều tích cực, ví dụ như chiến dịch tiêm chủng và gói kích thích tăng trưởng để đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 đều được xử lý ở quy mô châu Âu”. Điều này làm ứng cử viên khác khó lấy việc rời khỏi EU làm nền tảng tranh cử của mình.

Thứ hai, đó là tình trạng giá cả tăng cao và sức mua sụt giảm. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm Ipsos, 58% người được hỏi cho biết sức mua là chủ đề quan trọng nhất đối với họ.

Ông Frederic Marty, nhà kinh tế học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) và là giảng viên tại Đại học Cote d’Azur (Pháp), cho biết Pháp đang chứng kiến ​​mức lạm phát tồi tệ nhất 30 năm qua. Theo ông, khái niệm sụt giảm sức mua không mới, và nó xuất hiện ngay sau khi Pháp chuyển sang sử dụng đồng Euro.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải vật lộn để kiếm sống. Người sống ở vùng ngoại ô và sử dụng ô tô đi làm cũng gặp khó khăn do giá năng lượng tăng, vốn trở nên trầm trọng hơn sau xung đột Nga-Ukraine.

Thứ ba, đó là sự phân tán của phe cánh tả. 7/12 ứng cử viên tham gia tranh cử thuộc phe cánh tả. Nỗ lực nhạt nhoà nhằm hợp nhất phe cánh tả thành mặt trận thống nhất, dẫn dắt bởi một ứng cử viên hồi tháng 4/2021 đã bị các bên bác bỏ.

Nhà phân tích chính trị Thomas Guenole cho biết không giống như cánh hữu của Pháp, vốn vận hành các chiến dịch dựa trên sự khác biệt về quan điểm, cánh tả thậm chí tồn tại bất đồng với những nguyên tắc cốt lõi. Ông đồng thời nhận định: “Phe cánh tả của Pháp nên có hai ứng cử viên chính: cải cách và cấp tiến”.

Xung đột Nga-Ukraine đã tạo cơ hội cho ông Emmanuel Macron thể hiện quyền lực với tư cách là nguyên thủ quốc gia và tận dụng tư cách thành viên NATO của Pháp để thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi.

Sự tan rã của cánh tả được cho là do sự chuyển dịch chung của nền chính trị sang phía cánh hữu. Ông Guanole nhận định: “Năm 1982, 50% cử tri bỏ phiếu cho phe cánh tả… Ngày nay, cứ bốn cử tri thì chỉ có một cử tri bỏ phiếu cho phe cánh tả.”

Thứ tư, ngược lại với sự tan rã của cánh tả, giống nhiều nước châu Âu khác, Pháp đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy và phổ biến của tư tưởng cực hữu trong nền chính trị.

Ông Gilles Ivaldi, nhà nghiên cứu tại Viện Cevipof, Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Pháp), nhận định: “Thành công của phe cực hữu có liên quan đến tình hình kinh tế xã hội. Tư tưởng cực hữu phát triển mạnh khi tỷ lệ thất nghiệp cao”.

Ông cho rằng phe cực hữu mang lo ngại về người Hồi giáo, nhập cư và xã hội đa văn hóa với luận điệu chống nhập cư cứng rắn. Trong 40 năm, đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) đã truyền bá tư tưởng này và nó đang ngày càng phổ biến tại Pháp.

Cuối cùng, vấn đề nhập cư sẽ tiếp tục là trọng tâm bầu cử tổng thống Pháp lần này.

Theo ông Ivaldi, nỗi sợ người nhập cư có liên quan trực tiếp đến “những lo ngại về kinh tế và văn hóa” của xã hội đa văn hóa, chủ yếu là cách người Hồi giáo hòa nhập với xã hội châu Âu. Xu hướng chung của phần lớn châu Âu là “đóng cửa đồng loạt”.

Chuyên gia này đánh giá Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã “siết chặt chính sách nhập cư của mình do áp lực từ người dân và sự nổi lên của tư tưởng cực hữu”.

Trong bối cảnh đó, bài toán với các chính trị gia là tìm kiếm sự cân bằng trước xu hướng này, giữa nhu cầu nhập cư để tăng cường lực lượng lao động của một quốc gia có dân số già đi và nghĩa vụ đối với luật pháp quốc tế liên quan đến người tị nạn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năm ưu tiên của cử tri trong bầu cử tổng thống Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO