Nam Thư nhận bão phẫn nộ
Tối 4/7, hình ảnh của Nam Thư xuất hiện dày trên mạng xã hội, sau khi một tài khoản tung tin nhắn tố nữ diễn viên giật chồng. Trong bài đăng, người này khẳng định đủ bằng chứng xác định tài khoản Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi là của Nam Thư.
Khuya cùng ngày, công ty của Nam Thư phản hồi.
"Gần đây có nhiều thông tin không đúng liên quan Nam Thư. Điều này ảnh hưởng uy tín, danh dự, hình ảnh và công việc của nghệ sĩ. Chúng tôi khẳng định Nam Thư không có clip nhạy cảm.
Nam Thư sử dụng hệ thống liên lạc mạng xã hội với tên rõ ràng, không liên quan Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi. Mọi suy đoán, quy chụp với thông tin thiếu thiện chí đang lan truyền đều vô lý", công ty Nam Thư lên tiếng.
Đại diện nữ diễn viên cho biết đang tiến hành lập vi bằng, nhờ sự can thiệp của pháp luật. Nam Thư gửi lời xin lỗi vì thông tin ảnh hưởng khán giả, đối tác.
Từ khi xuất hiện bài đăng tố Nam Thư giật chồng, cô liên tục bị công kích. Nhiều fanpage, hội nhóm chia sẻ hình ảnh nữ diễn viên, gắn với những cụm từ tiêu cực như "con giáp thứ 13", "Thập tứ cô nương (vai diễn Nam Thư đóng) giờ thành chị 13", "Nhìn mặt là biết chẳng phải dạng vừa", "Giật chồng từ phim đến đời thường"...
Nam Thư đang bị công kích trên mạng xã hội.
Nhiều tài khoản lấy hình ảnh Nam Thư bị NSND Kim Xuân tát ở Quỷ cẩu để chế nhạo. Trong bộ phim ra rạp cuối năm 2023, Nam Thư đóng vai Liễu, giật chồng của bà Nga (NSND Kim Xuân), sau đó mang thai.
"Bị đánh trong phim, giờ bị đánh thêm ngoài đời mới vừa", "Ngoài đời không chỉ như vậy không đâu", "Chưa bao giờ thiện cảm, từ phim đến đời thực, thích giật chồng trong phim giờ giật chồng ngoài đời luôn cho oai"... là một số bình luận công kích Nam Thư trên các diễn đàn.
Loạt bài viết trên fanpage của Nam Thư nhận bão phẫn nộ. Cộng đồng mạng để lại bình luận tiêu cực, liên tục đá đểu nữ diễn viên, yêu cầu cô khóa bình luận thay vì đăng video tương tác trên Facebook tick xanh 1,8 triệu người theo dõi.
Sau bão chỉ trích, Nam Thư khóa bình luận loạt bài viết. Tuy nhiên, bài đăng "Cảnh báo thông tin sai sự thật" trên trang của Nam Thư vẫn để chế độ bình luận công khai.
Dù giải thích "không liên quan Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi" và đang tiến hành lập vi bằng, nhờ sự can thiệp của pháp luật, tài khoản của Nam Thư vẫn nhận bão phẫn nộ, chỉ trích.
Fanpage của Nam Thư đang nhận bão phẫn nộ.
"Lần này không thể tẩy trắng", "Chắc quên khóa bình luận rồi", "Lần đầu bài đăng cao như vậy chắc chị mừng lắm", "Đã sai mà thích tẩy trắng"... nhiều người để lại bình luận chỉ trích Nam Thư.
Hiện, bài viết Nam Thư phủ nhận thông tin giật chồng có hơn 5.000 bình luận. Gần 100 người chia sẻ bài đăng "cảnh báo", nhưng phần lớn kèm mô tả chỉ trích nữ diễn viên.
Trong khi đó, tài khoản Z.D liên tục đăng bài tố Nam Thư giật chồng, đi kèm hình ảnh, tin nhắn.
Trong bài đáp trả Nam Thư lúc 3h53 sáng 5/7, người này viết: "Trước khi muốn lập vi bằng, tôi khuyên chị suy nghĩ cho chắc vì tôi có đủ nhân chứng và bằng chứng".
Dòng trạng thái trên đang có hơn 2.500 bình luận ủng hộ, 114 lượt chia sẻ. Loạt bài đăng chia sẻ ảnh chụp tin nhắn, hình ảnh được người này gọi là bằng chứng đang thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ.
Bạo lực mạng
Hiện, phía Nam Thư và người đăng bài tố nữ diễn viên giật chồng đều đưa ra giải thích có lợi cho chính họ. Tuy nhiên, cộng đồng mạng đang có xu hướng đứng về một phía, tự đưa kết luận dù sự việc chưa ngả ngũ.
Những lời công kích, miệt thị ngoại hình là biểu hiện của hành vi bạo lực mạng. Đây là thực trạng đang bị lên án mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.
Theo SCMP, cộng đồng mạng "nắm quyền lực đáng kể" thông qua bình luận trên mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến. Trên không gian mạng, người nổi tiếng luôn là nạn nhân của lạm dụng trực tuyến, bạo lực mạng.
Cầu thủ Kim In Hyeok tự sát năm 2022 sau thời gian dài bị bạo lực mạng.
"Tính ẩn danh là tấm khiên của dân mạng, giúp họ ẩn núp an toàn trên Internet và dễ dàng tấn công người khác. Những bình luận gay gắt, tệ đến mức nhiều người nổi tiếng quyết định tiêu cực", Diksha Kashyap, Thạc sĩ nghiên cứu Đông Á học tại Đại học Delhi nói với SCMP.
Bà Diksha Kashyap cho rằng người nổi tiếng một khi vướng điều trái chuẩn mực xã hội (dù chưa được xác minh), đều đối mặt với với sự chỉ trích. Bạo lực mạng ở Hàn Quốc trỗi dậy mạnh, gần như trở thành "văn hóa đại chúng".
"Người nổi tiếng luôn được thần tượng hóa và mong đợi hoàn hảo. Tuy nhiên, ai cũng có khuyết điểm và phải chịu sự chỉ trích, nhiều hay ít tùy vào từng đối tượng. Khi bị số đông chỉ trích liên tục, tần suất cao, họ nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, chỉ trích trực tuyến", Diksha Kashyap nói.
Chuyên gia dẫn chứng vụ Kim In Hyeok tự sát ở tuổi 27, qua đời vào tháng 2/2022. Suốt sự nghiệp, cầu thủ cao 1,92 m đối mặt bình luận xúc phạm ngoại hình, tin đồn về xu hướng tính dục.
Trước khi tự sát, Kim In Hyeok viết: "Tôi cố bỏ qua mọi tin đồn suốt 10 năm qua. Tôi nghĩ làm vậy là tốt nhưng thực sự quá mệt mỏi. Mọi người biết gì nhiều về tôi, cớ sao liên tục bắt nạt tôi bằng bình luận kinh khủng vậy. Làm ơn dừng lại đi, tôi mệt lắm rồi".
Sulli là trường hợp điển hình của nạn nhân bị bạo lực mạng. Vụ nữ ca sĩ tự tử năm 2019 gây chấn động truyền thông quốc tế. Cô chọn cách tự kết liễu sau nhiều năm đối mặt loạt chỉ trích, cứ lên mạng là bị miệt thị, xúc phạm.
Vụ việc Sulli thúc đẩy hai cổng thông tin lớn của Hàn Quốc là Naver và Daum đóng phần bình luận ở mục tin tức Thể thao, Giải trí.
Tuy nhiên, đối tượng bắt nạt hiện nay hoạt động mạnh trên mạng xã hội, nơi không có cơ chế kiểm duyệt. Điều này khiến chính phủ Hàn Quốc đau đầu.
Năm 2019, các nhà lập pháp của Hàn Quốc ủng hộ việc chính phủ ban hành luật đưa môn học Giáo dục về bạo lực mạng vào trường học. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Goo Hara tự tử, chỉ hai tháng sau khi bạn thân cô là Sulli qua đời.
Trở lại trường hợp của Nam Thư, nếu đúng như thông tin nữ diễn viên đưa ra là nhờ pháp luật can thiệp, vụ việc sớm sáng tỏ.
"Không bênh vực Nam Thư, càng không có ý chỉ trích nhân vật Z.D. Đúng sai đã có pháp luật. Không biết từ bao giờ cộng đồng mạng có quyền buộc tội, chỉ trích người khác như vậy", một người để lại bình luận.