Hôm nay (4.5), Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM cho biết, vừa điều trị thành công cho một trường hợp hy hữu, sau khi uống 80 viên viên Phenobarbital - một loại thuốc an thần nhưng vẫn qua khỏi.
Theo chia sẻ của gia đình, bệnh nhân K (30 tuổi, ngụ ở Quận 1, TPHCM) ngay từ khi học cấp 2 đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và được gia đình đưa đi điều trị tâm lý suốt nhiều năm. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học và tiếp tục đi học trường đại học thứ hai, K vẫn sống thu mình và không thích giao tiếp với mọi người xung quanh.
Sau thời gian dài liên tục đi xin việc ở nhiều nơi, K không xin được bất kỳ việc nào nên càng sinh ra tâm lý trầm cảm nặng hơn.
Ông N.V.N - cha của bệnh nhân - cho biết, khi lớn lên, K học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Anh, tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, K vẫn điều trị trầm cảm, có đầy đủ hồ sơ bệnh án. Thậm chí, K đã từng tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành.
Cũng theo ông N, điều K băn khoăn nhất là không tìm được việc làm vì đơn vị tuyển dụng thấy vết rạch tay, nghĩ K dùng ma túy, nghiện ngập. Tâm lý bi quan ngày càng lớn và đỉnh điểm là trong đợt dịch COVID-19, K bỏ điều trị, bỏ uống thuốc trầm cảm và khẳng định: “Con đã hết bệnh”.
Ngày K mua 4 hộp Phenobarbital trên mạng và uống, khi mẹ phát hiện, 4 hộp thuốc đều trống trơn nhưng K không chịu đi bệnh viện. Khoảng 1 tiếng sau, thuốc ngấm, bệnh nhân vật vã, kích thích, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Sau 3 ngày lọc máu, K qua cơn nguy kịch, cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định.
Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh - Khoa Thận-Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) - cho hay, bệnh nhân đã uống tổng cộng 8gam phenobarbital trong khi liều tử vong là từ 6g trở lên. Các bác sĩ ngay lập tức đặt nội khí quản, máy thở, dùng thuốc vận mạch và tư vấn gia đình lọc máu hấp phụ. Chi phí mỗi lần khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cha mẹ của K khi đó chỉ vay mượn được 5 triệu đồng, Bảo hiểm y tế của K hết hạn nên không đủ chi phí, nhưng bệnh viện vẫn quyết định điều trị trước và chi phí tính sau.
Theo bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, K là trường hợp hy hữu khi uống thuốc với lượng lớn như vậy. Đáng chú ý, nếu trước đây Bệnh viện Lê Văn Thịnh chỉ tiếp nhận 1-2 ca tự tử/tháng, thì sau dịch COVID-19, mỗi tuần có từ 3-4 ca.
“Đây là tình trạng hết sức báo động. Tôi rất ngạc nhiên khi người nhà bệnh nhân nói rằng thuốc an thần muốn mua bao nhiêu cũng có, cực kỳ nguy hiểm vì đây là thuốc kiểm soát đặc biệt” - bác sĩ Thanh lo ngại.
Bên cạnh đó, một thực tế là nhiều người từng mắc COVID-19 gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ kéo dài nên tìm đến thuốc an thần, không có đơn của bác sĩ.
Bác sĩ khuyến cáo, dùng thuốc an thần không có chỉ định, uống “vô tội vạ”, có thể ngộ độc, suy gan, suy thận, hôn mê. Với người đang điều trị trầm cảm, bác sĩ Thanh cho hay, không nên ngưng điều trị mà phải tuân thủ việc dùng thuốc, tái khám đều đặn để tránh việc bùng phát các cơn stress dẫn đến hành động tiêu cực, nguy hiểm đến tính mạng.