Vũ Trường Giang, 22 tuổi, quê ở TPHCM, vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst - một trong những ngôi trường lâu đời tại nước Mỹ.
Ngôi trường này được thành lập vào năm 1863, xếp thứ 67 trong số các trường đại học quốc gia tại Mỹ và xếp thứ 26 trong các trường công lập hàng đầu (theo US News & World Report).
Thay vì trải qua 4 năm học, Trường Giang đã hoàn thành sớm hơn dự kiến một năm và tốt nghiệp với điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0 cùng tấm bằng xuất sắc.
Hiện tại, anh đang làm việc ở công ty lớn về thực phẩm tại Mỹ.
Giành học bổng cao nhất của trường đại học
Trường Giang là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Sau khi học xong lớp 11, Giang sang Mỹ để học tiếp lớp 12 theo chương trình học bổng đạt được. Với thành tích học tập nổi trội, Giang đã nhận được học bổng cao nhất của trường Đại học Massachusetts Amherst.
Trường Giang chia sẻ, anh từng học lớp chuyên Sinh ở trường cấp 3 nên thích học các môn tự nhiên như: toán, vật lý, hóa, sinh học. Đồng thời, anh cũng có hứng thú với các ngành liên quan đến nghiên cứu khoa học sáng tạo.
Nhận thấy ngành công nghệ thực phẩm là một ngành hội đủ các yếu tố nói trên nên Giang đã quyết định theo học.
Nói về lý do chọn đi du học tại Mỹ, Giang chia sẻ: "Mình nghĩ đây là một môi trường tốt. Với nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại, cơ sở vật chất tốt, nhiều máy móc sẽ giúp thuận tiện cho việc nghiên cứu. Ngoài việc học lý thuyết thì sẽ được áp dụng thực hành nhiều hơn.
Ở Việt Nam, tuy cũng có nhiều công nghệ thực phẩm mới nhưng đa phần là phát triển về các sản phẩm truyền thống. Còn ở thị trường Mỹ, ngành thực phẩm rất phát triển nên mình muốn qua đây để nghiên cứu sâu về ngành này".
Đối mặt với những khó khăn, thử thách
Khi mới sang Mỹ học tập, Giang đã gặp không ít khó khăn. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ đã tạo nên nhiều thách thức. Giang cho biết, khó khăn đầu tiên là sự tự lập.
Ở Việt Nam, thường sẽ nhận được sự bao bọc, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, nhưng khi qua đây, anh phải tự làm tất cả mọi thứ.
Giang tâm sự: "Lúc mới qua Mỹ, mình cảm thấy khá cô đơn vì có mỗi một mình. Lâu dần cũng quen và tập xây dựng các mối quan hệ mới. Mọi người ở đây cũng rất hòa đồng, hay giúp đỡ lẫn nhau nên mình không mất quá nhiều thời gian để thích nghi".
Rào cản về ngôn ngữ cũng là một thử thách lớn đối với anh. Hồi học ở Việt Nam, Giang chủ yếu học về kỹ năng nghe và đọc. Khi sang đây, vấn đề giao tiếp còn nhiều hạn chế, anh e ngại và nói không lưu loát như người bản xứ.
"Phần đọc và viết không phải là vấn đề quá lớn nhưng mình gặp khó khăn đối với phần nghe và nói. Khi ở Việt Nam, thường mình chỉ nghe tiếng Anh qua phim ảnh, ít được tiếp xúc với người nước ngoài dẫn đến không được nghe các cuộc hội thoại thực tế, không luyện giao tiếp nhiều nên đã bị yếu hai kỹ năng này", Giang bộc bạch.
Để rèn luyện thêm tiếng Anh, Giang đã luyện nói thường xuyên, chủ động giao tiếp với bạn bè xung quanh. Anh chia sẻ: "Do môi trường ở đây đòi hỏi phải thích nghi theo nên mình đã cố gắng hết sức có thể.
Hàng ngày, mình nói chuyện với mọi người nhiều hơn. Ở trên trường, những phần nào chưa nghe rõ lời giảng của thầy cô thì mạnh dạn hỏi lại. Cứ cởi mở giao tiếp với mọi người, đừng sợ nói sai vì mục đích cuối cùng của ngôn ngữ là giao tiếp".
Mặt khác, khí hậu ở Mỹ rất lạnh, nhất là vào mùa đông nên Giang phải mất nhiều thời gian để thích nghi. Biết thời tiết khắc nghiệt nên trước khi sang đây, Giang đã tiêm ngừa cúm và tránh được nhiều bệnh.
Về vấn đề ăn uống, Giang đánh giá đồ ăn bên Mỹ không ngon bằng Việt Nam. Các món ăn được chế biến ít gia vị, chủ yếu là muối, tiêu nên hơi ngán. Ngược lại, anh cho rằng các món ăn ở Việt Nam được nêm nếm gia vị đậm đà, hấp dẫn hơn. Bởi vậy, cứ cuối mỗi tuần, Giang sẽ cùng bạn bè đi ăn các món Việt Nam để có cảm giác gần gũi với quê hương.
Do chương trình học bổng chỉ hỗ trợ về học phí nên vấn đề tài chính cũng là một trở ngại lớn. Bởi vậy, sau khi thích nghi với môi trường ở đây, Giang đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Anh bắt đầu làm thêm từ hè năm thứ 2 với công việc làm tại căng tin của trường.
Sau mỗi buổi học, Giang sẽ xuống căng tin của trường để làm tạp vụ. Anh cảm thấy vui khi được làm việc ở đây bởi công việc vừa giúp kiếm thêm thu nhập vừa được ăn uống miễn phí nên tiết kiệm được khá nhiều tiền.
Bí quyết học tập giúp đạt tấm bằng xuất sắc
Các bài báo nghiên cứu khoa học ở trường đại học của Giang chủ yếu viết về nội dung nghiên cứu nhũ tương.
Đây là một hệ phân tán cao của hai chất lỏng mà thông thường không hòa tan được với nhau. Chẳng hạn như nước và dầu ăn sẽ tách nhau, không hòa tan. Giang đang nghiên cứu về sự kết hợp giữa hai chất lỏng này để làm sao khi kết hợp sẽ có sự cân bằng, không bị tách lớp.
Lên năm thứ 3, anh còn nghiên cứu thêm về thịt, trứng, cá thực vật. Sử dụng nhũ tương kết hợp với các chất protein, lutein để tạo ra thực phẩm giống như thật, đảm bảo về mặt thẩm mỹ và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Để có thể cạnh tranh với các bạn học người bản xứ và đạt được thành tích học tập xuất sắc, Giang cho biết, đó là nhờ phương pháp học tập khác biệt.
Anh chia sẻ, cách học tập của bản thân có hơi khác so với cách học truyền thống là ghi chép và nói thật nhiều. Thay vì ghi chép thì anh sẽ tập trung nghe giảng, không cần ghi chép nhiều bởi những điều cần lưu ý thì giảng viên đã viết trên bảng.
"Mình nghĩ không cần ghi chép nhiều mà thay vào đó sẽ tập trung nghe giảng để hiểu bài hơn. Sau đó, đặt câu hỏi cho giảng viên về những chỗ chưa hiểu", Trường Giang chia sẻ.
Điều quan trọng nhất khi học là hiểu bản chất vấn đề hơn là học thuộc. Bởi khi hiểu vấn đề thì sẽ giải quyết vấn đề đó một cách thoáng hơn. Chẳng hạn, Giang cho rằng, một câu hỏi sẽ có nhiều cách giải quyết chứ không hẳn là chỉ có mỗi đáp án đúng sai.
Vì vậy, anh cho rằng nên hiểu rõ khái niệm hơn là học thuộc lòng.
Chính nhờ cách học này đã giúp cho Trường Giang luôn có thành tích học tập đứng đầu lớp, có nhiều bài nghiên cứu khoa học được đăng lên các tờ báo, tạp chí nước Mỹ. Điều đó khiến cho cơ hội việc làm sau khi ra trường rộng mở và không phải vất vả đi xin việc như những bạn khác.
Làm việc tại công ty lớn về thực phẩm
Sau khi tốt nghiệp, Trường Giang đã được nhận vào làm vị trí nghiên cứu phát triển sản phẩm tại công ty Beyond Meat - thương hiệu thực phẩm thay thế thịt hàng đầu ở Bắc Mỹ với thị phần khoảng 23,2% (theo tạp chí The Money).
Giang chủ yếu nghiên cứu về thịt thực vật, loại thịt được làm từ thực vật nhưng mùi vị, màu sắc, hình dạng không khác gì thịt thật.
Anh cho biết, sự khác biệt giữa thịt thực vật với thịt chay ở Việt Nam là thịt chay sẽ chỉ làm giống về hình dạng, màu sắc và mùi vị một phần. Nhưng thịt thực vật lại cố gắng làm giống y như thật, từ mùi vị đến các chất dinh dưỡng như: hàm lượng protein, vitamin, chất béo đều giống thịt thật nhất có thể và gần như có thể thay thế đồ thật.
Đây là đồ chay cao cấp, được rất nhiều người đón nhận, thành phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Giang cho biết, bản thân sẽ tiếp tục học chương trình tiến sĩ sau khi làm 1-2 năm tại đây. Anh mong muốn một ngày nào đó sẽ quay trở lại Việt Nam để phát triển ngành thực phẩm.
"Vì kinh nghiệm hiện tại về ngành công nghệ thực phẩm chưa nhiều nên mình cần thời gian để học hỏi thêm.
Phần lớn người Việt Nam vẫn đang ưa chuộng các sản phẩm truyền thống nên thời điểm này hơi khó để mình quay về nước phát triển. Nhưng mình mong muốn sẽ quay về Việt Nam làm việc khi đã có nhiều kinh nghiệm", anh nói.