Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng (SN 1999) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 BLHS.
Cơ quan chức năng xác định, Trần Lâm Thắng là giáo viên môn bơi lội của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, tuy nhiên, anh ta không phổ biến, hướng dẫn mà để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành. Thầy giáo này cũng không giám sát học sinh mà ngồi sử dụng điện thoại dẫn đến không kịp thời phát hiện nam sinh lớp 9 đuối nước khi học bơi hôm 22/8.
Trả lời PV VTC News, luật sư Lê Giang Nam, Trưởng Văn phòng luật sư An Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, với hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nam giáo viên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, tòa còn căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để ra quyết định mức phạt cụ thể tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Luật sư cho rằng, hành vi trên của thầy giáo dạy bơi không thuộc vào Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021) quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Do đó, dù phía gia đình nam sinh có yêu cầu hay không thì Công an quận Hà Đông vẫn khởi tố vụ án, và thầy giáo Trần Lâm Thắng vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, nếu gia đình nam sinh viết đơn bãi nại và có giấy tờ chứng minh đã được bồi thường thiệt hại thì có thể xem là căn cứ để tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc xử lý trách nhiệm thầy giáo dạy bơi, theo luật sư Lê Giang Nam, Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em nêu rõ: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
"Dù là nguyên nhân nào thì nhà trường đều phải có trách nhiệm đối với những tai nạn này. Bởi những tai nạn xảy ra trong thời điểm mà nhà trường đang có trách nhiệm trông coi cũng như quản lý học sinh. Trong đó hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất", luật sư Lê Giang Nam nêu quan điểm.
Trưởng Văn phòng luật sư An Việt phân tích, sau vụ nam sinh lớp 9 bị đuối nước, trách nhiệm của nhà trường chia thành hai trường hợp, gồm trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Về trách nhiệm dân sự: Nhà trường phải thực hiện bồi thường những thiệt hại xảy ra cho học sinh gặp tai nạn. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ về trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm tại Điều 591 gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng và thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Về trách nhiệm hình sự: Trường hợp này cũng có thể đặt ra trách nhiệm hình sự, nhưng phải xem xét cụ thể và đầy đủ các nguyên nhân gây ra tai nạn xem có cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.
Theo luật sư Lê Giang Nam, đuối nước ở trẻ em vẫn luôn là nỗi đau chưa bao giờ thôi nhức nhối. Vì vậy, gia đình cần trang bị cho trẻ những kiến thức về bơi lội từ sớm, hướng dẫn cho các con chỉ bơi lội trong phạm vi an toàn.
Bên cạnh đó, nhà trường cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các buổi thực hành bơi lội, tăng cường số lượng giáo viên phụ trách và nhân viên cứu hộ trong mỗi buổi. Giáo viên phải hướng dẫn trước khi bơi, phân loại học sinh theo khả năng bơi lội để có chương trình dạy hiệu quả, phát phao bơi và giám sát học sinh trong lúc thực hành để kịp thời xử lý những tình huống nguy hiểm.