Cuộc thi do Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) phối hợp với GaraSTEM - đơn vị về công nghệ giáo dục tại Việt Nam tổ chức. Cuộc thi thu hút nhiều học sinh THCS và THPT tại Singapore và Việt Nam cùng tham gia tranh tài. Trước ngày thi đấu, các thí sinh được học về lập trình robot dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Xie Ming, Trưởng khoa Robotics tại Đại học Nanyang.
Gia Bảo cho biết: “Từ lâu em đã hứng thú với môn lập trình và tìm nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi để trải nghiệm. Tương lai em muốn học ngành Khoa học Máy tính nên cuộc thi này rất phù hợp với em.
Hơn nữa, kiến thức lập trình trên sách giáo khoa rất khác khi áp dụng vào thực tế. Em phải chú ý và tính toán kỹ đến các yếu tố môi trường, ví dụ như lực ma sát và phải tối ưu, điều chỉnh để robot được hoạt động. Thông qua đó, em học được kỹ năng phân tích giải pháp, giải quyết vấn đề và lập luận logic. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều bạn bè quốc tế nên em có dịp kết bạn, học hỏi, chia sẻ sở thích và giao lưu văn hóa”.
Đồng hành cùng con tham gia cuộc thi, chị Phạm Thị Oanh (TP.HCM) chia sẻ: “Nhờ thầy cô khích lệ cũng như đam mê của con, tôi quyết định đồng hành với con đến Singapore tham gia cuộc thi. Học về lập trình giúp con tôi phát triển trí tuệ, sự khéo léo, óc suy luận, rèn luyện tính kiên nhẫn, và biết cẩn thận bảo quản từng chi tiết của linh kiện robot”.
Đại diện GaraSTEM cho biết, học lập trình robot là một trong những phương pháp của mô hình giáo dục STEM, là sự tích hợp các yếu tố khoa học (S), Công nghệ (T), kỹ thuật (E) và toán học (M) vào giáo dục và đào tạo. Đây được xem là chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản...
Không nằm ngoài xu thế đó, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT tích hợp mô hình STEM vào chương trình giảng dạy cho học sinh cấp hai và ba.
Có thể thấy, sức hút của mô hình giáo dục STEM không chỉ ở trải nghiệm thực tế với kiến thức khoa học – kỹ thuật, mà còn bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất của công dân toàn cầu như khả năng giải quyết vấn đề, hòa nhập quốc tế, và tính đổi mới sáng tạo. Đây là những kỹ năng mềm cần thiết để các em từng bước trở thành nhân lực chất lượng cao cho quốc gia và khu vực.
Tại Việt Nam, sự lan rộng của định hướng giáo dục STEM xuất phát từ các cuộc thi quốc tế về chế tạo robot của các công ty công nghệ. Sau đó, nhiều trường quốc tế và tư thục bắt đầu đưa cách tiếp cận STEM vào chương trình giảng dạy ở các bậc học đầu tiên.
Từ năm học 2021 - 2022, học sinh khối 6 được học theo chương trình sách giáo khoa mới có tích hợp STEM. Năm học 2022 - 2023, mô hình STEM cũng được đưa vào học tập cho học sinh khối 10.
Tháng 9 vừa qua, nhằm nâng cao năng lực STEM cho giáo viên và học sinh, Bộ GD&ĐT làm việc với Tổ chức STEM toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy giáo dục STEM một cách đầy đủ, đúng hướng, phát huy tốt nhất ứng dụng trong đổi mới giáo dục tại Việt Nam.
Thông qua cuộc thi này, học sinh có cơ hội trải nghiệm, cọ sát với các bạn trong khu vực và hơn hết là khơi dạy khả năng sáng tạo, say mê nghiên cứu của học sinh.