Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo "người Việt uống quá nhiều bia rượu". Thống kê năm 2017 cho thấy, trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia.
Người Việt đang sử dụng quá nhiều bia rượu
WHO ước tính Việt Nam phải bỏ ra gần 26.000 tỷ đồng để điều trị 6 loại ung thư phổ biến liên quan đến rượu bia (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung). Ngoài ra, cần 50.000 tỷ đồng để giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông do rượu.
Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi – Bệnh viện Đại học Y dược, cơ sở 3 TP.HCM – cho biết có ba con đường chuyển hóa rượu ở trong cơ thể người là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da, và thông qua hệ hô hấp. Trong đó, khoảng 90% là chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan nhờ hai enzym chủ yếu là alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase.
Trong cơ thể con người nếu có hai loại men trên, rượu sẽ được phân hủy nhanh hơn, hệ thần kinh trung ương ít bị ảnh hưởng bởi rượu. Khi uống quá nhiều, quá nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt một phần hay hoàn toàn men chuyển hóa sẽ rơi vào tình trạng say rượu.
Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 – 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ, khi đạt 0,3% thì sẽ có dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu), và khi đạt trên 0,5% thì nguy cơ cao sẽ chết. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Làm sao để hạn chế say rượu?
Bác sĩ Nhi cho biết, cần hạn chế uống các loại rượu mạnh, nên lựa chọn các loại rượu trái cây hoặc rượu vang, không nên cố gắng uống quá nhiều. Nếu không thể tránh được rượu bia, thì trước khi dùng rượu bia cần chú ý vài điểm sau để không bị say rượu:
Trước khi uống nên ăn thức ăn, tránh để bụng trống khi uống, vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn.
Trước nửa giờ khi đi uống rượu có thể uống một bình sữa nhỏ (sữa tươi nguyên chất là tốt nhất) vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do rượu vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy Ethanol.
Không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến gan không kịp chuyển hóa rượu.
Một số các dược liệu an toàn có thể hỗ trợ việc giải rượu như sau:
1. Sắn dây: Đây là một loại thuốc được ứng dụng nhiều nhất để giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra. Sau khi say rượu có thể sử dụng 10-20g sắn dây để giải rượu.
2. Đậu xanh + Cam thảo: Nấu 50 gr đậu xanh, 10 gr Cam thảo, bỏ lượng đường, nước vừa đủ. Tác dụng giảm nôn, bảo vệ gan, làm cho mau tỉnh sau say rượu. Cũng có thể dùng chỉ nước sắc đậu xanh cũng đạt được hiệu quả tương tự.
3. Nước mật ong: Thành phần chủ yếu là đường Fructose, có khả năng thúc đẩy phân hủy và hạn chế hấp thu cồn hiệu quả, từ đó làm giảm nồng độ cồn trong máu, giúp tinh thần nhanh tỉnh táo, loại bỏ đau đầu, chóng mặt, cảm giác nôn nao sau khi uống rượu.
4. Dưa hấu: uống 10-15g nước ép vỏ dưa hấu sau khi uống rượu làm giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, nôn ra nước chua sau uống, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.