Hội chứng Robinson Crusoe
ThS BS Nguyễn Quang Huy - trưởng khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết ở Việt Nam, số liệu công bố từ năm 1995 đã cho thấy, số phụ nữ trên 50 tuổi sống độc thân là 11,3%, trong số đó ở Hà Nội là 19,6%, TP.HCM lại lên tới 22,8%.
Đặc biệt, trong giới văn nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên các cấp chiếm tỷ lệ khá cao - 57,2%. Từ đó đến nay, tỷ lệ người sống độc thân vẫn tăng đều. Phải chăng chúng ta đang bị một hội chứng mới, “Hội chứng Robinson Crusoe” - anh chàng sống một mình trên hòn đảo nhỏ chơ vơ giữa đại dương suốt 28 năm mà vẫn cảm thấy… hạnh phúc?
Đàn ông chưa vợ tha hồ bay nhảy, tiệc tùng, thuốc lá và những cuộc tình thoáng qua. Một thống kê ở châu Âu cho biết, riêng chi phí đến rạp chiếu phim của người độc thân cao gấp 3 lần những phụ nữ có gia đình. Hóa đơn điện thoại di động của họ nhiều gấp 2,5 lần so với những bà nội trợ, bởi suy cho cùng, họ vẫn là những chuyên gia “nấu cháo điện thoại”.
Họ đứng đầu trong những phân khúc khách hàng luôn sẵn sàng mở túi ra một cách vô tư nhất tại các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, là khách hàng thường xuyên nhất của các thẩm mỹ viện, spa...
Vì sao nhiều người chọn độc thân?
Bác sĩ Quang Huy cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc sống độc thân: Ở xã hội hiện đại, lý do lớn chỉ chi phối đó là công việc, họ muốn có một vị trí trong xã hội, muốn đầy đủ, muốn tự tin về tâm lý, tài chính, am hiểu cuộc sống rồi mới kết hôn.
Cũng có khi họ dành quá nhiều thời gian cho công việc họ say mê, không còn cả thời gian giao lưu, tìm hiểu hoặc cảm thấy việc phải yêu là phung phí thời gian.
Một nguyên nhân nữa cũng có thể là những phụ nữ này ý thức quá sâu sắc về cuộc sống gia đình. Vì quá sâu sắc nên đôi khi họ nghĩ quá nặng nề. Gia đình là sự gắn kết hoàn hảo, có gia đình là chấm dứt tự do cá nhân, chỉ một tâm một sức lo cho cả nhà, chồng con… Vì suy nghĩ nặng nề đó mà họ có thể không thích ứng được với việc họ phải thay đổi thói quen sống.
Một điều rất rõ là ngày càng có nhiều người phụ nữ ý thức và nhìn nhận quá rõ về bản thân mình, vì thế họ cảm thấy mình chưa phù hợp, chưa sẵn sàng, họ không muốn mình làm ai đó khổ khi gắn kết với mình. Cách họ nói họ độc thân không có nghĩa họ mặc định suốt đời mình như vậy. Chỉ là họ muốn kéo dài thời gian sống độc thân mà thôi!
Tự do càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Cuộc sống kéo dài tình trạng độc thân của những người ý thức rõ điều này có sự thuyết phục riêng không hẳn là đáng chán như một số người lầm tưởng.
Người độc thân có nguy cơ gia tăng cơn suy tim
Theo bác sĩ Huy, ai cũng biết rằng sống độc thân không có lợi về nhiều mặt. Một công trình nghiên cứu tại BV St. Luke’s Roosevelt ở New York cho thấy, người độc thân có nguy cơ gia tăng những cơn suy tim hoặc loạn nhịp vì sự cô đơn làm tích tụ các stress mà không chia sẻ được với ai.
Nhà sinh học Francis Vincent Defeudis nhận thấy người cô đơn dễ bị trầm uất do cơ thể suy giảm khả năng huy động chất D-gluco gây rối loạn cơ chế điều khiển các chức năng khác.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ độc thân, đặc biệt là người trên 40 tuổi, có nhiều nguy cơ mắc bệnh tâm thần, chủ yếu là các thể hoang tưởng, trầm cảm, mất ngủ. Họ rất dễ cáu gắt, nóng giận với những người xung quanh, sống khép kín, khó hòa đồng và thường nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác.
Các bác sĩ phụ khoa đưa ra một kết luận những phụ nữ độc thân thường hay bị rối loạn chu kỳ kinh và hay đau ngực. Sự cô đơn càng làm tăng thêm mức độ stress ở họ.
Sống một mình, họ có xu hướng dồn sức tìm niềm vui trong công việc, như vậy càng khiến cho cuộc sống thêm căng thẳng, đến lúc cần chia sẻ lại không có ai bên cạnh.
Khi đó, họ rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài, mệt mỏi, mất mọi hứng thú trong đời sống, công việc cũng trở nên không còn hấp dẫn như trước nữa. Lâu dần, nếu không được mọi người thông cảm, họ sẽ càng khó hòa đồng, dễ tủi thân và rối loạn tâm lý. Tiêu cực hơn, có người còn tìm đến cái chết vì cảm thấy mình như người thừa, không gắn bó với cuộc sống.
Nữ giới từ 35 tuổi trở lên, đặc biệt là những người sống cô độc, hay bị bệnh tim mạch. Nguyên nhân một phần là do họ thường có tâm trạng u uất, sống khép kín, không hòa đồng. Ở lứa tuổi này, cơ thể người phụ nữ bắt đầu có những biến đổi phức tạp, nội tiết tố nữ giảm dần. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tim mạch.
Ngoài bệnh tim mạch, phụ nữ độc thân còn có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư vú do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ.
Phía đàn ông, độc thân dễ rơi vào tâm trạng buồn chán, lái xe nhanh và uống rượu nhiều hơn, tỉ lệ tử vong ở nam giới độc thân trong nhóm tuổi 35 đến 44 khá cao.
Số người bị tai biến mạch máu não do uống rượu cao gấp 6 lần so với những người có gia đình hạnh phúc và gấp 2 lần đối với các bệnh về thần kinh, nội tiết, da, xương và cơ.
Sống độc thân có tỉ lệ mắc bệnh xơ gan và chấn thương tâm thần cao hơn gấp đôi so với người có gia đình. Do vậy mà đàn ông rất sợ sống đơn độc vì sẽ rất nguy hiểm đối với họ.
Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy những người sống độc thân có nguy cơ đột tử vì bệnh tim cao hơn ít nhất 4 lần người bình thường. “Một cuộc sống không tình yêu hoặc tình yêu không trọn vẹn sẽ dần phá hoại tim bạn” - Kirsen Melgaard Nielson, chuyên gia tại Đại học Aarhus (Thụy Điển) nói.
Theo bà, những người sống một mình thường có những hành vi và thói quen nguy hiểm như hút thuốc lá, nghiện rượu và hay bị thừa cân. Họ cũng ít khi tới bác sĩ và có thể gặp khó khăn trong việc kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.