01
Hạnh cưới Toàn chỉ sau chưa đầy nửa năm yêu nhau. Lúc đó, cô thấy Toàn ổn nhưng điều khiến cô quyết định kết hôn nhanh chóng là vì gia đình anh.
Khi Hạnh về ra mắt, bố mẹ Toàn cực kỳ thoải mái. Mẹ anh rất vui vẻ cởi mở và sống hiện đại. Mặc dù năm nay đã ngoài 50 nhưng mẹ Toàn trẻ hơn so với tuổi rất nhiều.
Ban đầu, khi cô hỏi bí quyết để trẻ lâu, bà cười xòa bảo: "Có gì đâu, sống thoải mái, không để bụng cái gì bao giờ là tự khắc nó trẻ con ạ".
Mẹ Toàn hào phóng, thoải mái và thấu hiểu. Sau vài lần về nhà anh chơi, cô và mẹ anh đã như những người bạn thật sự, thoải mái chuyện trò, tâm sự đủ thứ chuyện trên đời.
Bà cũng nói thẳng Toàn có những điểm nào chưa ổn và thậm chí còn nửa đùa nửa thật nói với Hạnh: "Bác không ngờ thằng Toàn nó tán được con đấy. Con bác bác biết, thằng này còn phải rèn nhiều. Nhưng con cứ thoải mái mà lấy nó rồi về làm dâu, có gì bác cũng đứng về phía con mà xử lý".
Có lẽ vì những sự cởi mở thoải mái này mà Hạnh gật đầu ngay khi Toàn hỏi cưới. Cô không phải là người ngây thơ. Hạnh hiểu rõ rằng nếu như kết hôn mà có được gia đình chồng yêu thương, thông cảm thì mối quan hệ sẽ dễ dàng bền chặt, dài lâu hơn. Vả lại, nếu mẹ chồng cũng yêu thương con dâu thì hành trình làm dâu của cô sẽ thoải mái hơn nhiều.
Và quả thật sau gần 1 năm sống chung với bố mẹ chồng, Hạnh cảm thấy quyết định cưới của mình rất chính xác. Hai vợ chồng sống với bố mẹ rất yên bình, mẹ chồng con dâu hợp nhau. Nếu như vợ chồng có vấn đề gì, bố mẹ chồng thậm chí còn là người hòa giải. Hạnh cảm thấy sống ở nhà chồng mà như nhà mẹ đẻ vậy.
02
Năm nay là năm đầu tiên Hạnh ăn Tết nhà chồng. Trong lòng cô cũng có nhiều điều lo lắng. Đành rằng bố mẹ chồng dễ nhưng Hạnh vẫn băn khoăn nhiều điều. Khi đi làm, cô cũng cố gắng nói chuyện với nhiều đồng nghiệp có kinh nghiệm trong hôn nhân để hỏi han về chuyện ăn Tết.
Đương nhiên, mỗi người một cảnh nhưng Hạnh lại gặp nhiều nhất là những chuyện liên quan đến xích mích trong nhà. Chỉ từ việc mua quà Tết, mua đồ ăn vặt ngày Tết thôi cũng có thể gây nên xích mích trong hôn nhân.
Hạnh là con gái một trong nhà, trên cô còn có anh trai nữa. Bởi vậy khi ở nhà mẹ đẻ Hạnh rất được cưng chiều. Càng về cuối năm khi Tết sắp đến, Hạnh lại càng cảm thấy hơi buồn vì nhớ những cái Tết khi còn sống với bố mẹ đẻ.
Cô nhớ những đêm Giao Thừa cả gia đình quây quần chuyện trò rồi xem tivi, nhớ đến cảnh anh trai đèo cô lên chùa xin lộc ngay trong đêm đó. Hạnh nghĩ rằng có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình được quay về với những đêm Giao Thừa như thế nữa.
Sáng 25 Tết, khi đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa thì mẹ chồng đi từ trên gác xuống rồi nói với Hạnh: "Năm nay con không cần đón Giao Thừa ở nhà chồng nhé".
Câu nói của bà khiến Hạnh sững người. Cô không hiểu ý mẹ chồng muốn nói đến là gì. Thấy con dâu đang đứng nhìn trân trân, mẹ chồng bật cười bảo luôn: "Mẹ cho con xem thỏa thuận ăn Tết của mẹ khi về làm dâu nha. Hồi xưa là bản viết tay, bây giờ đã được đánh máy lại rồi đây".
Sau đó, bà đưa ra một bản thỏa thuận ăn Tết thật. Trong đó ghi ra vài điều nhưng thứ Hạnh nhớ nhất chính là có một điều khoản nhắc đến việc ăn Tết xen kẽ nhà nội nhà ngoại, áp dụng từ ngày Giao Thừa.
Theo đó thì như mẹ chồng năm nay đón Giao Thừa ở nhà mẹ đẻ thì chiều mùng 1 Tết sẽ quay về nhà chồng. Năm sau lại đổi ngược.
Thấy Hạnh vẫn đang nhìn trân trối, mẹ chồng bảo luôn: "Người ta cứ bảo rằng đón Tết nhà chồng rồi mùng 2, mùng 3 về nhà mẹ đẻ. Nhưng mẹ luôn cảm thấy giây phút thiêng liêng nhất của Tết là khi Giao Thừa đến. Bởi vậy mẹ nghĩ dù có đi làm dâu rồi mà Giao Thừa vẫn được ngồi bên bố mẹ đẻ mình để chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới thì hạnh phúc nhất. Nên khi cưới bố con, mẹ đã thỏa thuận điều này với ông bà và bố. Mọi người đều đồng ý nên cứ vậy thực thi hơn 20 năm nay rồi.
Mấy năm nay ông bà ngoại đã mất nên mẹ mới bỏ, không thực hiện việc này nữa. Bây giờ con có muốn có bản thỏa thuận ăn Tết giống như mẹ không? Nếu đồng ý thì năm nay ưu tiên cho con về nhà bố mẹ con đón Giao Thừa, năm sau lại ở nhà mình vậy".
Hạnh nghe xong mà không dám tin vào tai mình. Cô luôn biết bố mẹ chồng thoải mái và thấu hiểu nhưng như thế này thì tuyệt vời quá. Hạnh gật đầu đồng ý và bây giờ, cô đã có một bản thỏa thuận ăn Tết cực đặc biệt. Cô lại càng thấy yêu quý bố mẹ chồng hơn vì sự thấu hiểu đó.
03
Trước khi làm mẹ chồng thì mẹ chồng cũng từng là con dâu. Bởi vậy, đây là mối quan hệ dễ dàng có xích mích nhưng cũng có thể dễ dàng hòa hợp nhất. Đơn giản vì giữa cả hai có thật nhiều điểm chung với nhau.
Một nàng dâu mới có thể vững vàng trong hành trình kết hôn. Tuy nhiên, cái Tết đầu tiên sau khi cưới luôn có thể khơi gợi thật nhiều cảm xúc trong họ. Họ chưa quen với những sự thay đổi, điều đó có thể dẫn đến một cái Tết có tủi thân, có buồn bã, có nhớ nhung về những lần cùng bố mẹ đẻ đón Giao Thừa, chào năm mới.
Bởi vậy, người ta mới nói rằng Hạnh thật sự may mắn khi gặp được gia đình chồng thoải mái và thấu hiểu. Sự thấu hiểu đó đã truyền từ thế hệ trước đến thế hệ của cô. Và có lẽ, đến sau này chính Hạnh cũng sẽ áp dụng điều đó cho chính con cháu của mình.
Người ta đã nói nhiều đến những sự việc không vui của nàng dâu đón Tết nhà chồng. Khi thì đau đầu chuyện quà cáp, khi thì xích mích việc cỗ bàn và có khi còn không yên bình nổi trong chuyện về ngoại ăn Tết. Câu chuyện của Hạnh có thể sẽ là một điều đặc biệt so với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó cũng có thể là tấm gương để nhiều nàng dâu mới lên kế hoạch cho chuyện ăn Tết ở nhà chồng, nhà đẻ.
Việc thẳng thắn nói ra cảm nghĩ và mong muốn của mình là bước đầu tiên trong việc thực hiện hóa các kế hoạch đó. Mẹ chồng cũng từng là con dâu, các nàng dâu mới hãy thử thoải mái trao đổi, biết đâu lại có những "thỏa thuận ăn Tết" thực sự, khiến hai bên đều hài lòng.
Theo Phụ Nữ Mới