Reuters vừa công bố công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, trong đó có một DN Việt Nam. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.
Theo bảng xếp hạng, nhà sản xuất thép có sản lượng hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings có vốn hóa 8,9 tỷ USD, đứng thứ 19. Một DN thép lớn nổi tiếng trên thế giới là BlueScope Steel của Úc cũng góp mặt trong danh sách này với vốn hóa 7,3 tỷ USD, xếp vị trí 25 trong danh sách.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 44.729 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong phiên giao dịch ngày 6/10, cố phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát chính thức lập đỉnh mới khi đóng cửa ở mức 56.100 đồng. Với tổng số 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức vốn hóa của HPG đạt 247.000 tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USSD.
Tin chứng khoán ngày 7/10: Tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ nhảy top đầu thế giới |
Lũy kế 9 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Tính tới hết 6/10, theo Forbes, ông Long có tài sản ròng 3,8 tỷ USD, xếp thứ 853 trên thế giới và là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Trên thế giới, trong cả năm vừa qua, giá thép tăng mạnh mang lại lợi nhuận ấn tượng cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn - thép tại Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2020 và quý I và II/2021. Đây được xem là kết quả của việc mua giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp trước đó và bán sản phẩm với mức giá đỉnh cao gần đây.
Trong năm 2021, cổ phiếu HPG nói riêng và ngành thép nói chung tăng mạnh nhờ có kết quả kinh doanh rất tốt. Trong quý II, HPG lãi hơn 9,7 n ghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2020 và cao hơn cả năm 2020. HPG là cỗ máy kiếm tiền bậc nhất trong nhóm VN30, vượt qua cả Vinhomes, với mỗi giây kiếm hơn 1 triệu đồng lợi nhuận cho cổ đông, hay tương đương 92 tỷ đồng mỗi ngày.
VN-Index có cơ hội leo cao. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 7/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu có xu hướng đi ngang. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng như bất động sản được kỳ vọng hồi phục.
Theo BSC, thông tin về gói hỗ trợ cùng hoạt động mở lại kinh tế của Chính phủ đang củng cố xu hướng tăng điểm của thị trường. Nhịp tăng này có thể khiến VN-Index kiểm tra lại vùng điểm 1.370-1.380 trong các phiên giao dịch tới.
Còn theo MBS, VN-Index đang có cơ hội để hướng đến đỉnh tháng 8 ở 1.380 điểm.
Thị trường củng cố nhịp tăng kể từ đầu tháng 10 với phiên bằng phiên tăng thứ 3 liên tiếp, qua đó vượt khỏi vùng tích lũy kéo dài trong tháng 9. Bên cạnh đó, VN-Index cũng đã vượt thành công xu hướng giảm kể từ đầu tháng 7. Thị trường đang có cơ hội để hướng đến đỉnh tháng 8 ở 1.380 điểm.
Chốt phiên chiều 6/10, chỉ số VN-Index tăng 8,19 điểm lên 1.362,82 điểm. HNX-Index tăng 1,97 điểm lên 368,47 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 97,38 điểm. Thanh khoản đạt 23,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 19,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà