Các khí nhà kính do các hoạt động của con người phát thải ra, ví dụ như carbon dioxide (CO2), góp phần chính gây ra biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên Trái Đất. Khi mọi thứ nóng hơn, các dải băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy.
Một nghiên cứu mới của nhóm gồm hơn 60 nhà khoa học quốc tế trong các lĩnh vực băng, đại dương và khí quyển đã tính toán khả năng mực nước biển dâng trước tình trạng nguy cấp hiện nay.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Sophie Nowicki – nhà khoa học về băng của Trường đại học Bufallo, trước đây đã từng làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA)- cho biết một trong những điều khó lường nhất khi mực nước biển dâng là bao nhiêu phần là do các dải băng tan gây ra, và các dải băng này tan bao nhiêu chính là phụ thuộc vào mức độ biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy nếu con người tiếp tục phát thải khí nhà kính với tốc độ hiện nay thì các dải băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy sẽ làm mực nước biển dâng thêm hơn 38 cm. Nghiên cứu này là một phần của dự án nghiên cứu mô hình dải băng do NASA thực hiện.
Nhóm chuyên gia dự án của NASA đã nghiên cứu dự báo mực nước biển dâng từ năm 2015 đến 2100 tùy theo từng kịch bản phát thải carbon. Họ nhận thấy rằng với mức phát thải cao như hiện nay, băng tan ở Greenland sẽ làm nước biển toàn cầu dâng thêm 9cm, còn phát thải ít hơn thì mức nước biển dâng sẽ khoảng 3cm, còn băng tan ở Nam Cực sẽ góp phần làm nước biển dâng thêm đến 30 cm vào năm 2100.
Cũng cần nói rõ mức nước biển dâng này là dự báo cho giai đoạn 2015-2100, vì thế chưa bao gồm phần rất lớn các dải băng đã mất đi trong giai đoạn từ thời tiền công nghiệp cho đến thời hiện đại.
Các kết quả này cũng phù hợp với ước tính trong báo cáo năm 2019 của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Theo báo cáo này, các dải băng tan ở Greenland sẽ tiếp tục góp phần làm nước biển toàn cầu dâng thêm từ 8 đến 27 cm trong khoảng từ năm 2000 đến 2100. Đối với Nam Cực, báo cáo này ước tính băng tan sẽ làm nước biển dâng thêm từ 3 đến 28 cm.
Các kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế nói trên sẽ đóng góp thông tin cho báo báo cáo tiếp theo của IPCC dự kiến sẽ được công bố vào năm 2022.
Theo ông Heiko Goelzer, nhà khoa học của Trường đại học Utrecht, Hà Lan, dự án của NASA đã kết nối hầu hết các nhóm mô hình dải băng trên toàn thế giới và phối hợp được với các cộng đồng xây dựng mô hình đại dương và khí hậu khác để hiểu rõ hơn tình hình trong tương lai của các dải băng ở các vùng cực.
Phải mất hơn 6 năm làm việc, các nhà khoa học trên khắp thế giới mới đưa ra được các con số dự báo này. Kết quả nghiên cứu của nhóm vừa được công bố ngày 17/9/2020 trên số đặc biệt của tạp chí “Băng quyển”.