Năm 2024, từ Việt Nam có thể chiêm ngưỡng 9 lần mưa sao băng

22/06/2024 17:16

Dự kiến, trận mưa sao băng lớn nhất sẽ đến từ một vật thể không gian bí ẩn và còn già hơn cả Trái đất: 3200 Phaethon.

Những trận mưa sao băng trong năm 2024 mà Việt Nam có thể quan sát được

Theo định vị tại TP HCM bằng công cụ của trang Time and Date, các trận mưa sao băng mà người Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng trong năm Giáp Thìn sẽ có số sao băng đêm cực đại khá chênh lệch nhau.

Vào đêm cực đại của trận mạnh nhất, bạn sẽ thấy tới 150 ngôi sao băng mỗi giờ. Trong khi đó, trận yếu nhất chỉ 5 ngôi sao băng mỗi giờ.

1. "Bản giao hưởng" Lyrids

Có nguồn gốc từ đuôi của sao chổi Thatchet nhưng lại như tuôn xuống từ chòm sao Thiên Cầm (Lyra), mưa sao băng Lyrids dự kiến sẽ tuôn khoảng 18 ngôi sao băng vào thời điểm cực đại rơi vào tối ngày 22, rạng sáng 23-4.

Lyrids có thể được quan sát ở cả hai bán cầu từ ngày 14 đến 30-4.

Mưa sao băng Lyrids quan sát từ vũ trụ
Mưa sao băng Lyrids quan sát từ vũ trụ - (Ảnh: NASA).

2. Eta Aquarids từ Halley

Đây là một trong hai trận mưa sao băng được tạo nên bởi sao chổi Halley lừng danh và trông như tuôn ra từ chòm sao Bảo Bình (Aquarius) từ ngày 19-4 đến 28-5, nhìn thấy ở cả hai bán cầu.

Theo giờ Việt Nam, đêm cực đại với 50 ngôi sao băng mỗi giờ sẽ là đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6-5.

3. "Á quân" Perseids

Từ chòm sao Anh Tiên mang hình dáng chàng dũng sĩ trong thần thoại Hy Lạp Perseus, mưa sao băng Perseids sẽ đổ xuống Trái Đất tận 100 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm 12, rạng sáng 13-8.

Perseids có tầm quan sát tốt nhất ở Bắc bán cầu từ ngày 17-1 đến 24-8 và có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle.

Mưa sao băng Perseids
Mưa sao băng Perseids - (Ảnh: VIỆN VẬT LÝ OPAVA).

4. "Rồng trời" phun lửa Draconids

Rất tiếc cơn mưa ánh sáng từ chòm sao mang hình con giáp của năm nay - Thiên Long, tức Draco - lại là trận mưa sao băng yếu nhất với chỉ 5 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9-10, cũng là đêm cực đại.

Draconids có nguồn gốc từ sao chổi 21P/Giacobini-Zinner, có thể nhìn thấy tốt nhất từ Bắc bán cầu trong khoảng ngày 6 đến ngày 10-10.

5. Orionids: Halley trở lại

Trận mưa sao băng thứ 2 từ Halley sẽ phun ra từ phía chòm sao Lạp Hộ (Orion) trong khoảng ngày 2 đến 10-10, tuy nhiên nhỏ hơn trận trước một chút.

Đêm cực đại rơi vào tối 21, rạng sáng 22-10 theo giờ Việt Nam với khoảng 20 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn cũng có thể nhìn thấy Orionids ở cả hai bán cầu.

Một trận mưa sao băng từ Công viên Quốc gia Joshua Tree (Mỹ)
Một trận mưa sao băng từ Công viên Quốc gia Joshua Tree (Mỹ) - (Ảnh: NASA).

6. Sư tử trời Leonids

Rơi từ chòm sao Sư Tử (Leo), Leonids được quan sát ở cả hai bán cầu từ ngày 6 đến 30-11. Nó cũng có nguồn gốc từ sao chổi, mang tên 55P/Tempel-Tuttle.

Cái tên nghe có vẻ rất dũng mãnh, tuy nhiên Leonids cũng "dịu dàng" gần như Draconids. Bởi lẽ, số sao băng vào đêm cực đại chỉ là 10 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn có thể đón nó vào tối 17, rạng sáng 18-11.

7. Siêu mưa sao băng Geminids

Mưa sao băng lẽ ra phải rơi từ sao chổi, nhưng Geminids thì không! Thay vào đó, mưa sao băng này có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon.

Vì sao 3200 Phaethon có đuôi và tạo ra mưa sao băng? Đó là câu đố mà giới khoa học vẫn đang tìm kiếm. Trong đó, giả thuyết được ủng hộ nhất là một vụ va chạm cổ đại.

3200 Phaethon, tiểu hành tinh gây ra siêu mưa sao băng
3200 Phaethon, tiểu hành tinh gây ra siêu mưa sao băng - (Ảnh đồ họa: NASA).

Vào đêm cực đại tối 13, rạng sáng 14-12, từ Việt Nam bạn có thể quan sát đến 150 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn cũng có thể nhìn thấy từ hai bán cầu từ ngày 4 đến 20-12.

8. Gấu con Ursids

Phun ra từ chòm Tiểu Hùng (Ursa Minor), Ursids sẽ đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23-12 với khoảng 10 ngôi sao băng mỗi giờ.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể quan sát trận mưa sao băng từ sao chổi 8P/Tuttle này từ Bắc bán cầu vào khoảng ngày 17 đến 26-12.

9. "Kẻ kỳ quái thứ hai" và Quadrantids

Quadrantids cũng rơi từ một tiểu hành tinh mang tên 2003 EH1. Tuy chưa được quan tâm nhiều như 3200 Phaethon nhưng việc nó rơi từ một tiểu hành tinh vẫn là điều kỳ quái.

Ngoài ra, số phận của mưa sao băng này rất "long đong": Quadrantids lấy từ tên chòm sao Quadrans Muralis đã bị Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) xóa sổ từ năm 1922.

Tuy nhiên bạn cũng có thể nhắm hướng chòm sao Mục Phu (Bootes) để tìm kiếm nó từ ngày 28-12-2024 đến 12-1-2025 ở Bắc bán cầu.

Đêm cực đại của trận mưa sao băng cuối cùng năm Giáp Thìn sẽ rơi vào tối ngày 3, rạng sáng ngày 4-1-2025.

Theo khoahoc.tv
https://khoahoc.tv/nam-2024-tu-viet-nam-co-the-chiem-nguong-9-lan-mua-sao-bang-132622
Copy Link
https://khoahoc.tv/nam-2024-tu-viet-nam-co-the-chiem-nguong-9-lan-mua-sao-bang-132622
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, từ Việt Nam có thể chiêm ngưỡng 9 lần mưa sao băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO